Lưu diễn vở nhạc kịch ''Những người khốn khổ''

Thứ năm, 08/04/2021 10:44
(ĐCSVN) - Sau 8 đêm diễn thành công tại Hà Nội cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ đưa vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" lưu diễn tại nhiều địa phương trên cả nước từ giữa tháng 4 đến tháng 6 nhằm đáp ứng nhu cầu được thưởng thức kiệt tác nghệ thuật của thế giới.
leftcenterrightdel
 Trailer vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" .

Cụ thể, vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn với 3 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 16, 17 và 18/4. Sau đó, tác phẩm sẽ đến với khán giả thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và biểu diễn 3 đêm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh sự góp mặt của hàng trăm diễn viên và dàn nhạc chơi sống hoàn toàn, điều đặc biệt trong chương trình lưu diễn sắp tới là việc áp dụng công nghệ LED để đưa công chúng tiệm cận với vở diễn thông qua nghệ thuật thị giác (visual art). Nói về sự thay đổi mới mẻ này, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Bản thân vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" đã là một sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ áp dụng hình ảnh kỹ thuật số (LED) vào tác phẩm để kích thích thị giác, nhằm từng bước đáp ứng xu thế áp dụng công nghệ vào nghệ thuật, giúp khán giả dễ hình dung ra bối cảnh câu chuyện, đẩy cảm xúc lên tầm cao trào mới”.

leftcenterrightdel
Vở nhạc kịch "Những người khốn khổ". (Ảnh: Nhà hát Nhạc vũ kịch VN)

Vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Pháp Victor Hugo, đề cao tình đoàn kết, tính nhân văn và niềm tin vào tương lai. Đây là câu chuyện về một giấc mơ tan vỡ, của tình yêu không được đáp trả, niềm đam mê, sự hi sinh và chuộc tội. Một câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển. Từ đó, ranh giới về không gian và thời gian, ranh giới về sắc tộc và văn hoá đều bị xóa nhòa, chỉ còn lại một điều duy nhất, đó là tình người.

“Điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ Việt Nam có kỹ thuật hát Opera rất tốt, nhưng họ không được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu. Vì vậy, toàn bộ diễn viên của VNOB đã và đang rất nỗ lực để khắc phục điểm yếu này, nhằm mang đến cho khán giả một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng”, đạo diễn Nguyễn Triều Dương chia sẻ.

Tại Việt Nam, tác phẩm có sự tham gia của hơn 120 nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam và quốc tế, do Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly tổng đạo diễn, nghệ sĩ Nguyễn Triều Dương đạo diễn, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chỉ huy dàn nhạc, nghệ sĩ Linh An biên đạo múa./.

 

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực