“Mùa thu rồi, Ngày hai ba” - Mãi mãi vang vọng lời thề Độc lập

Thứ ba, 22/09/2020 09:13
(ĐCSVN) - Ngày Nam bộ kháng chiến, mốc son “Mùa thu rồi, ngày hai ba”, là một sự kiện lịch sử trọng đại, thể hiện ý chí độc lập dân tộc, thống nhất non sông, truyền thống hào hùng, mãi mãi được khắc ghi sâu đậm trong sử sách và tâm khảm của nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ.
leftcenterrightdel
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên,
quyết chiến với quân xâm lược, giữ “Lời thề độc lập”. (Ảnh: Tư liệu )

Nhân dân Nam bộ được hưởng niềm vui nước nhà Độc lập sau Cách mạng Tháng Tám chỉ mới vỏn vẹn 28 ngày (24/8 đến 23/9/1945) đã buộc phải cầm súng bước vào cuộc chiến đấu mới để quyết giữ vững Lời thề Độc lập đã vang lên trong ngày quốc khánh 2/9.

Đêm 22, sáng ngày 23/9/1945, quân Pháp sau nhiều ngày khiêu khích đã nổ súng tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ, trụ sở Quốc gia Tự vệ Cuộc, Bưu điện, Nhà đèn, Kho bạc, Đài Phát thanh … với sự ủng hộ của Mỹ và tiếp tay của thực dân Anh. Dù mới được trải qua 28 ngày đêm độc lập, song nhân dân Nam Bộ đã gắn bó với nền độc lập tự do mà Cách mạng Tháng Tám mang lại, đã quyết tâm đánh địch bằng mọi phương tiện, hình thức để giữ vững lời thề độc lập, bảo vệ chế độ mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Giữa lúc tiếng súng còn nổ vang nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, rạng sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629 đường Cây Mai (Nguyễn Trãi, Quận 5 ngày nay). Hội Nghị đã tranh luận sôi nổi với hai luồng ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng phát động kháng chiến là việc hệ trọng thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Trung ương. Nam Bộ chỉ là cấp địa phương, do đó trước hết phải thỉnh thị ý kiến Trung ương. Trong khi chờ lệnh chỉ nên hô hào đồng bào bãi công, bãi thị, bãi khóa để phản đối quân xâm lược.

Nhóm ý kiến thứ hai đại diện cho Xứ ủy Nam bộ với Bí thư Trần Văn Giàu cho rằng phải kêu gọi nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên kháng chiến, đánh trả ngay lập tức quân xâm lược.

Trong lúc hai bên đang tranh cãi gay gắt thì nhân dân Sài Gòn – Gia Định, từ tự vệ, dân quân, thanh niên, công đoàn và các tầng lớp nhân dân đã đánh trả quyết liệt ở tất cả những nơi quân Pháp gây hấn. Thực tiễn là người thầy phán xét nghiêm khắc và chính xác nhất. Tình hình hết sức khẩn trương, không cho phép kéo dài cuộc tranh cãi, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu kết luận: Địch đánh ta thì ta phải đánh lại; ta không đánh lại thì địch càng đánh tới, ta càng mất đất, mất dân, nhất là mất lòng tin của dân. Ta không đánh thì dân cũng đánh mà thiếu tổ chức, thiếu chỉ huy; dân đánh mà ta không đánh thì ta làm sao lãnh đạo được nữa. Đánh tiêu diệt nhiều địch thì địch mới chịu thương lượng đàng hoàng. Kháng chiến không loại trừ thương lượng, nhưng kháng chiến càng nhiều kết quả thì mới có thế mạnh để thương lượng. Cổ kim đông Tây, ở lịch sử ta cũng vậy. Vừa đánh vừa đàm là chuyện thường. Tất nhiên, ta phải báo cáo, thỉnh thị cấp trên … Tướng biên cương, cũng như tướng ở nội địa và ở kinh thành đều phải theo lệnh vua, đó là nguyên tắc. Song tướng ở biên cương có khi không chờ lệnh vua, trong trường hợp nếu chờ lệnh vua thì địch lấy mất biên ải tràn vào nội địa, cướp của, bắt người, chiếm đất. Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước của mình. Tướng biên cương có thể làm khác, thậm chí làm khác lệnh vua trong trường hợp lệnh vua tới nơi thì tình hình đó đã khác hẳn, nếu theo lệnh cũ thì hại cho dân, cho nước, cho vua. Tướng biên cương phải biết quyền biến, hoặc tử thủ để bảo toàn lực lượng, hoặc phản công để tiêu diệt địch … Vua sẽ suy xét, sai thì trị tội, thì chém đầu. Tôi bây giờ là tướng biên cương. Tôi thấy có trách nhiệm phải quyết định, phải quyền biến. Tôi quyết định: Đánh! Đánh lại ngay!

leftcenterrightdel
 
Quân và dân Nam bộ với gậy tầm vông đứng lên chiến đấu khi
thực dân Pháp xâm lược nước ta, tháng 9/1945. (Ảnh: Tư liệu)

Đó là một quyết định có ý nghĩa lịch sử, thể hiện ý chí của dân tộc ta qua bao thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Đặc biệt đó là hành động thực hiện lời thề thiêng liêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên thệ trong Lễ Độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội: Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập … Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy (Tuyên ngôn Độc lập). Và cũng chính chiều 2/9/1945 tại cuộc mít tinh ở Sài Gòn để mừng ngày độc lập, Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam bộ Trần Văn Giàu đã tuyên bố với mọi người tham dự mít tinh “Dân tộc Việt Nam có quyền sống độc lập tự do. Chúng ta phải quyết hy sinh cho độc lập tự do của nước Việt Nam”. Trước đó, hơn một tháng, tại cuộc mít tinh vào sáng ngày 25/8/1945 ở Sài Gòn, Xứ ủy Nam bộ đã tổ chức biểu dương lực lượng “để cho bàn dân thiện hạ, cả thù lẫn ta, cả ta lẫn tây… biết được cuộc cách mạng long trời lở đất của toàn dân. Ai dám đụng tới cách mạng là phải đương đầu với hàng triệu, hàng triệu người dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng …”.

Vậy là, không bao lâu sau cách mạng tháng Tám, những điều Bí thư Xứ ủy Nam bộ Trần Văn Giàu nói và làm trong cuộc “biểu tình vũ trang khổng lồ” vào ngày 25/8/1945 và trong ngày mừng Lễ Độc lập 2/9/1945 đã diễn ra. Do vậy, quyết định “Đánh, đánh lại ngay” trong ngày 23/9/1945 là một tiến trình logic biện chứng, phản ánh tinh thần của dân tộc, khát vọng độc lập tự do của nhân dân, nhằm giữ vững lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Ngay sau Hội nghị, sáng 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi: “Đồng bào Nam bộ - Nhân dân Thành phố Sài Gòn … Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2/9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc. “Độc lập hay là chết”. Hôm nay, Ủy ban kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược … Hỡi anh em binh sỹ, dân quân tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Nhận được điện báo cáo của Nam bộ, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra ngay Huấn lệnh: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của Nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp … làm cho đồng bào toàn quốc khâm phục. Đồng bào phải cương quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập” (Báo Cứu quốc (Hà Nội) số 50, ngày 25/9/1945). Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng ái quốc của đồng bào Nam bộ… Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sỹ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Như vậy, quyết định chính xác, kịp thời, kiên quyết của Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ với Bí thư Trần Văn Giàu đã được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành, nhiệt liệt ủng hộ. Quyết định đó đã làm nên sự kiện lịch sử - Ngày Nam bộ kháng chiến, là mốc son “Mùa thu rồi, ngày hai ba”, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, là sự kiện mà từ đó Nam bộ được vinh danh “Thành đồng Tổ quốc”, là hiện thực lịch sử làm ngời sáng chân lý “Nước Việt Nam là một; Dân tộc Việt Nam là một”, “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Đó là một sự kiện lịch sử trọng đại, thể hiện ý chí độc lập dân tộc, thống nhất non sông, truyền thống hào hùng, mãi mãi được khắc ghi sâu đậm trong sử sách và tâm khảm của nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ. Đó là bài học về bản lĩnh, trí tuệ, ý chí cho các quyết sách, quyết định trong những bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm sau đó và mãi mãi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ linh thiêng,  tất cả vì lợi ích của Tổ quốc, nhân dân./.

Phan Xuân Biên - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực