Ngành phát thanh Việt Nam: “Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên”

Thứ năm, 04/08/2022 23:00
(ĐCSVN) - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, trong thời gian tới, Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới...

Tối 4/8, tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 với chủ đề "Linh hoạt chuyển đổi, thích ứng vượt lên".

Tham dự khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 800 đại biểu từ 86 đơn vị Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Liên hoan (ảnh: VOV)

Phát biểu chào mừng liên hoan, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Cách đây khoảng 1 năm, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương Đông Nam Bộ phải đối diện với muôn vàn khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát. Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, mọi hoạt động trực tiếp bị ngưng trệ, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả to lớn. Từ khắp thôn, làng, khu phố, những tiếng nói thân thương, sẻ chia vang lên, len lỏi tới từng ngôi nhà, từng khu cách ly, điều trị COVID-19 góp phần hướng dẫn, động viên mọi người dân đồng lòng, vững chí vượt qua đại dịch. Bằng hình thức phát thanh trên các nền tảng số, đa phương tiện, lan tỏa nhanh chóng, những tiếng nói ấy, những âm thanh ấy đã cùng chính quyền địa phương ổn định tình hình xã hội, tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của nhiều tầng lớp nhân dân; truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, chung sức cùng TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố đẩy lùi dịch bệnh…

Đồng chí Phan Văn Mãi tin tưởng rằng những người làm báo phát thanh vẫn đang ngày đêm giữ gìn và phát huy bản sắc của tiếng nói Việt Nam. Đó là, tiếng nói của chính nghĩa, sự thật, cảm xúc; là tiếng nói thấm dần, thấm sâu, là người bạn đồng hành thân mật với thính giả để cùng chia sẻ và giãi bày mọi vấn đề trong cuộc sống.

Chúc mừng các đại biểu về dự liên hoan, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi hy vọng đây là dịp để đại biểu cảm nhận sự hồi sinh mạnh và những nỗ lực phục hồi mạnh mẽ của Thành phố; tin tưởng thông qua liên hoan lần này sẽ có thêm nhiều tác phẩm báo chí về Thành phố để cả nước hiểu hơn nữa, chung vui cùng Thành phố.

Thay mặt Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, đồng chí gửi lời chúc chân thành đến sự thành công của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022.

leftcenterrightdel
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh ý nghĩa của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV, với chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên” (ảnh: VOV)

Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt chúc mừng những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, văn nghệ sĩ đang công tác trong ngành phát thanh nhân ngày hội lớn của ngành, chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả đã xuất sắc lọt vòng Vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV-năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà Đài Tiếng nói Việt Nam và các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành phát thanh Việt Nam đã đạt được trong chặng đường 77 năm xây dựng và trưởng thành. Ngành phát thanh Việt Nam không ngừng lớn mạnh, hiện đại, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và dân tộc, luôn xứng đáng là tiếng nói của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã đánh giá cao chủ đề của liên hoan là “Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên” và cho rằng đây là nội dung quan trọng mà ngành phát thanh Việt Nam cần quan tâm, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí truyền thống là báo viết, báo nói và báo hình, các loại hình báo chí mới như báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội ra đời, phát triển mạnh mẽ đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã lưu ý, trong thời gian tới, Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới để vượt lên, thực hiện tốt vai trò là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân và là kênh phản biện xã hội hữu hiệu.

“Phát thanh Việt Nam cần trở thành kênh phản biện xã hội với mục đích xây dựng chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị và phát triển đất nước, mở rộng dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với xã hội. Kịp thời phản ánh những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp tới Đảng và nhà nước, trở thành kênh thông tin hữu ích giúp tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước trên mọi mặt đời sống xã hội ngày càng tốt hơn”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Để nhân rộng những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa vai trò của phát thanh Việt Nam trong thời kỳ mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, mỗi cơ quan báo nói, mỗi nhà báo phát thanh cần ý thức rõ sứ mệnh của mình, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin chính xác, kịp thời, với mục tiêu cao nhất là tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mỗi nhà báo phát thanh cần thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức báo chí, nói, viết theo đúng tôn chỉ, mục đích; mỗi người cần tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo; cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

leftcenterrightdel
 Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã vinh danh Ban  Giám khảo, những nhà báo có uy tín, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, những người góp phần quan trọng vào thành công của Liên hoan phát thanh (ảnh: VOV)

Mỗi nhà báo phát thanh cần tự trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ làm báo, cần có tư duy độc lập, tư duy phản biện trước mỗi vấn đề; cần đi sâu, đi sát thực tế cuộc sống, phản ánh đậm nét hơi thở cuộc sống hàng ngày, hàng giờ. Mỗi tin, bài, mỗi chương trình cần được cân nhắc kỹ, thận trọng khi khai thác và đăng tải thông tin, đặc biệt cần cân nhắc những thông tin không có lợi cho sự nghiệp phát triển của đất nước…

Đồng chí mong muốn và tin tưởng cán bộ, công nhân viên ngành phát thanh Việt Nam sẽ luôn giữ vững vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là một trong những cơ quan báo chí chủ lực của đất nước, xứng đáng với sự kỳ vọng và tin yêu của Nhân dân.

Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 là ngày hội lớn, là dịp để những người làm phát thanh cả nước thể hiện cao nhất tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo nói. Liên hoan còn là diễn đàn rộng, mang tính toàn quốc để những người làm phát thanh trong cả nước trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, phản ánh thực tế đang diễn ra ở các tỉnh, thành phố. Đồng thời, là cơ hội chia sẻ quan điểm, định hướng phát triển nhằm đổi mới hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại, với mục tiêu phục vụ công chúng ngày một tốt hơn.

Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV sẽ bế mạc vào ngày 6/8/2022./.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ của ngành phát thanh Việt Nam, được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Tại Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15 năm 2022 đã có 203 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo. Trong đó, 65 tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, 37 phỏng vấn, 11 câu chuyện truyền thanh, 57 chuyên đề phát thanh, 33 kịch truyền thanh và 34 chương trình phát thanh trực tiếp.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực