Người gìn giữ, phát triển thổ cẩm trên bản Mông heo hút

Chủ nhật, 30/08/2020 09:52
(ĐCSVN) – Đến bản Mông xa xôi, heo hút nằm giữa núi rừng trùng điệp xã Trấn Thành, chúng tôi thực sự ngạc nhiên bởi xưởng thêu của A Chư lại hiện đại hơn suy nghĩ rất nhiều. Xưởng nằm tách biệt khu dân cư, được dựng chủ yếu bằng các vật liệu công nghiệp rộng hàng trăm m2 . Ở đây có đến 3 dàn máy thêu tự động hiện đại của Nhật Bản, mỗi dàn dài gần chục mét đang nhịp nhàng “chạy” sản phẩm.

Ý tưởng lập xưởng thêu

 Trong dịp được dự Hội nghị tổng kết gương điển hình sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả tỉnh Yên Bái năm 2019, chúng tôi đặc biệt chú ý tới mô hình vay vốn đầu tư thêu thổ cẩm Chư Bầu Vàng của đôi vợ chồng Giàng A Chư người dân tộc Mông ở thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Lúc đó, chúng tôi mường tượng về mô hình với dăm ba khung cửi dệt thủ công và có thêm chiếc máy thuê nhỏ nhắn cũ kỹ nằm khiêm tốn trong ngôi nhà gỗ truyền thống của người Mông trên bản xa lắc lẻo đường đi. Với mong muốn được thực tế xem mô hình và hiệu quả của nó thế nào, thật may mắn, tháng 7/2020, nhân chuyến tác nghiệp tại huyện Trấn Yên, chúng tôi được xã Kiên Thành để thực tế, liên hệ làm việc.

A Chư hướng dẫn người lao động vận hành máy dập chân váy thổ cẩm. 

Là một trong 4 xã thuộc diện 135 (xã đặc biệt khó khăn) của huyện, nằm ở cuối con đường tỉnh lộ 166 cách trung tâm huyện khoảng 40km đường bộ, nhưng đường xá tại xã Kiên Thành lại thuận tiện, nên chỉ non tiếng đồng hồ là chúng tôi đã có mặt tại trụ sở xã Kiên Thành. Tại đây, chúng tôi được 2 cán bộ xã dẫn đường về thôn Đồng Ruộng thăm mô hình thêu may thổ cẩm người Mông của Giàng A Chư. Thật không ngờ ở bản Mông heo hút nằm giữa núi rừng trùng điệp, xưởng thêu của A Chư lại hiện đại hơn suy nghĩ ban đầu của chúng tôi rất nhiều. Xưởng nằm tách biệt so với khu dân cư của thôn, được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu công nghiệp rộng đến 150 m2 . Ở đây không hề có công đoạn thủ công, hay máy thêu nhỏ, mà có đến 3 dàn máy thêu tự động hiện đại của Nhật Bản, mỗi dàn dài gần chục mét đang nhịp nhàng “chạy: sản phẩm.

 Trong lúc đợi A Chư hướng dẫn người lao động vận hành máy móc, thiết bị, chúng tôi đi thực tế một vòng quanh xưởng, trong lòng không khỏi ngỡ ngàng, trầm trồ thán phục ý chí và công sức của cặp vợ chồng trẻ ở bản Mông xa xôi, hẻo lánh này. Với tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, gặp chúng tôi, A Chư cho biết, tất cả các dàn máy thêu đều được điều khiển tự động qua bảng điều khiển, còn mẫu thêu là hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mông thì được lập trình và lưu trữ trên máy tính. Lý do nào dẫn đường A Chư đầu tư xưởng thêu vậy? – Đáp lại câu hỏi tò mò của chúng tôi, A Chư kể, ý nghĩ lập xưởng thêu may ấp ủ từ ngày còn nhỏ khi thấy mẹ và những người phụ nữ trong bản cứ cặm cụi thêu thùa quanh năm mà cũng chỉ đủ dùng áo quần cho cả nhà. Càng ngày ý tưởng mua máy thêu về để đỡ đần công sức cho bà con trong lòng A Chư ngày càng lớn lên. Sau nhiều tháng trời tìm hiểu thông tin, tháng 6/2016, A Chư quyết định về Hà Nội mua chiếc máy thêu mini hơn 10 triệu đồng về làm thử. “Thấy chất lượng và hiệu quả tăng lên rõ rệt, nhưng ngặt nỗi do dùng điện nước công suất nhỏ nên chưa thể đầu tư mua dàn máy to hơn được. Đến đầu năm 2019, khi thôn vừa mới có điện lưới là em mua ngay dàn máy thêu đã qua sử dụng trị giá 300 triệu về hoạt động. Và liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2020, em mua thêm 02 dàn máy nữa hết 700 triệu đồng” – A Chư nói tiếp.

 Tư vấn, giúp đỡ các hộ đầu tư máy thêu

 Nhẩm tính trị giá dàn máy móc tổng trị giá ngót ngét gần 2 tỷ đồng, chúng tôi buột miệng hỏi: A Chư có phải vay mượn gì nhiều không?. Đáp lại câu hỏi này, A Chư thật thà bộc bạch, khi xưởng mới hoạt động, A Chư “liều” vay chị gái 60 triệu để làm ăn, cuối năm 2019, nhân chuyến thăm xưởng, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã đề nghị Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho xưởng của A Chư được vay 170 triệu đồng mua máy ép chân váy để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. “Tính đến thời điểm này, em chỉ còn nợ tất cả là 210 triệu đồng, còn lại đều là tiền tự có của gia đình thôi” – A Chư vui vẻ cho biết.

 Chia sẻ về công việc, A Chư cho biết, vải lấy từ Mường Khương (Lào Cai), sợi lấy từ TP Hồ Chí Minh vận chuyển ra tận trung tâm xã; ngoài ra, xưởng nhận làm chủ yếu là hàng đặt từ các tiểu thương kinh doanh vải phục vụ nhu cầu may mặc của người Mông trong cả nước, tập trung nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, còn lại thì sản xuất để giao bán các khu vực có đông người Mông trong tỉnh như Mù Cang Chải, Tú Lệ, Suối Giàng, Trạm Tấu... “Tuy nhiên để có được khách hàng rộng khắp như thế này, ban đầu em phải làm clip tung lên Facebook, Youtube nữa đấy!” – A Chư hồ hởi chia sẻ.

 Theo A Chư, từ đầu năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lượng hàng tiêu thụ có giảm so với dự tính, nhưng vẫn tăng so với năm 2019, nên vợ chồng A Chư vẫn tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh với trung bình từ 4-6 nhân lực, thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Nhìn nhận về nhu cầu thị trường, A Chư lạc quan phân tích, càng ngày lớp trẻ người Mông biết thêu thùa may vá càng ít đi do ảnh hưởng của nhịp sống công nghiệp, nên đợi mấy năm tới thu được hồi vốn sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất xưởng thêu và mở rộng dần qui mô cắt may quần áo may sẵn. Không chỉ táo bạo lập xưởng thêu may trị giá bạc tỷ trên bản Mông xa xôi heo hút, tạo công ăn việc làm cho người thân, mang lại đời sống no đủ sung túc cho gia đình, mà A Chư còn tư vấn, mua giúp 03 dàn máy thêu khác cho 03 gia đình người Mông ở các địa phương Mù Cang Chải (Yên Bái), Điện Biên Đông (Điện Biên), Bát Xát (Lào Cai) cùng phát triển làm ăn, nâng cao cuộc sống./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực