Nhà văn Sao Mai: Văn chương và Cuộc đời

Thứ bảy, 14/12/2024 21:12
(ĐCSVN) - Từ Hà Nội, gồng gánh lên tận Thanh Sơn, để sống, làm trang trại và kiếm ăn cho ba vợ chồng và bảy đứa con, cuộc “cách mạng” lên Thanh Sơn lập nghiệp của nhà văn Sao Mai gặp vô vàn khó khăn nhưng ông đã trụ vững và là nhà văn người Kinh đầu tiên đi miền núi làm kinh tế thành công.

  

Năm 1985, tôi chuyển công tác từ Ty Văn hóa Thông tin về Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú (VHNT), lúc bấy giờ họa sĩ Ngô Quang Nam là Trưởng ty kiêm Chủ tịch Hội, nhạc sĩ Cao Khắc Thùy, Phó Chủ tịch TT Hội, đến tháng 3/1989 Đại hội lần thứ ba tại Khách sạn Hòa Bình (nay là Trung tâm Hội nghị tỉnh) Nhà văn Sao Mai bất ngờ trúng Phó Chủ tịch Hội, sự việc diễn ra nhanh chóng đến chính ông cũng không ngờ, bởi ông đã nghỉ hưu khá lâu. Hoàn cảnh đưa đẩy ông là thế, ông khăn gói rời núi rừng Thanh Sơn ra thành phố Việt Trì nhậm chức Phó Chủ tịch TT Hội.

Được công tác cùng ông ở cơ quan thường trực hội, hàng ngày tiếp xúc, sinh hoạt cùng ông trong cái khuôn viên ngàn m2, với ba dãy nhà cấp bốn của Hội VHNT Vĩnh Phú ngày ấy. Ở con người ông luôn toát lên vẻ thân thiện dễ mến, dễ gần, nhân cách sang trọng của một trí thức, một nghệ sĩ đích thực, là bạn bè cùng thời và thân thiết với nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Nguyễn Hữu Điền chúc mừng nhà văn Sao Mai 
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng nhà văn Sao Mai.

Nhà văn Sao Mai tên thật là Tân Khải Minh, ông sinh năm 1924 tại Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định. Họ Tân không phải chính thức là họ của ông. Thực ra ông có họ Nguyễn, nhưng đời bố ông, do nghèo khó quá nên phải đi ở thuê cho một chủ người Hoa “Tân Hỷ Khanh”, đời nhà Thanh sang Việt Nam hành nghề. Với bản tính siêng năng, thật thà nên bố ông đã được gia đình người Hoa này quý mến, nhận làm con và chuyển sang thành họ Tân. Tân Khải Minh là cái tên ông có từ đấy. Bút danh Sao Mai vốn được chiết tự từ cái tên khai sinh Tân Khải Minh. (Tân = mới: Khải = khai mở; Minh = sáng. Ánh sáng ngày mới). Nhờ văn chương, có một thời hai tiếng Sao Mai nổi như cồn. Ấy là khi ông cho in bốn truyện ngắn có những cái tên lạ: Uất, Căm, Đi, Đổi, mà theo nhà văn Tô Hoài còn nhớ: “Nguyễn Huy Tưởng đã chọn được từ Khu Ba gửi lên, in trong Tạp chí Văn Nghệ và khen rất hay”. Ấy là phóng sự “Trại di cư Pagốt Hải Phòng” viết về vùng đất ba trăm ngày thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954, được Giải thưởng Hội Nhà văn. Với cách đi riêng, giọng văn hệt như cuộc sống, lại không bị cái gì chi phối, văn ông luôn gắn liền với số phận con người, hết sức bình dị và lôi cuốn. Những tác phẩm của ông đã ăn sâu trong tâm trí bao bạn đọc.     

Một đời văn sống lam lũ nơi rừng xanh núi đỏ, viết văn dưới ánh sáng đèn dầu, mà cho ra đời đến hơn 30 tác phẩm. Kính phục ông, nể trọng tài năng của ông, người đã chấp nhận nghèo khó không vì cái gì và không bị cái gì chi phối để tự do sáng tác. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn từng gom tên một số tác phẩm của ông để khái quát lên “số phận” con người ông như sau: “Uất”, “Căm” nên mới “Đổi”, “Đi”/ “Thôn Bầu thắc mắc” làm gì nữa ông/ “Di cư Pagốt” vừa xong/ Lại đi “Tìm đất” ở vùng “Làng cao”.

Trong lịch sử văn học nước nhà, có hai nhà văn nổi tiếng nhất về cách cư xử khí khái với cuộc sống của chính mình. Nhà văn Nguyên Hồng thì nổi tiếng với việc thuê xe chở vợ con một mạch từ Ngã Tư Sở (Hà Nội) tới miền quê heo hút Yên Thế để định cư và mưu sinh tại ấp Cầu Đen, để rồi không nhận lương của Hội Nhà văn, sống bằng canh tác từ vợ con và đồng nhuận bút còm. Còn ông Sao Mai cũng từ Hà Nội, gồng gánh lên tận Thanh Sơn, để sống, làm trang trại và kiếm ăn cho ba vợ chồng, bảy đứa con mà chỉ có tiêu chuẩn mười ba ký rưỡi gạo độn mỳ, bốn lạng rưỡi thịt, một cân đậu và nửa lít nước mắm. Cuộc “cách mạng” lên Thanh Sơn lập nghiệp của ông gặp vô vàn sự ngăn cản, bàn ra tán vào của nhiều bạn văn. Ngày ấy Sao Mai đi, có bạn văn khóc sướt mướt. Cái thời nghèo khó ấy nhưng mọi người rất tình nghĩa, nên mỗi bạn văn đã kỷ niệm ông một thứ. Ông Tô Hoài tặng ông cái mũ kê pi, nhà thơ Nguyễn Mỹ tặng chiếc va li, còn nhà thơ Phùng Quán tặng ông cái rìu. Họ đều mong muốn ông sẽ trụ vững và là nhà văn người Kinh đầu tiên đi miền núi làm kinh tế thành công.

Từ khi lọt lòng mẹ phải sống trong điều kiện “không được ấp vú mẹ”. Lên tám tuổi Sao Mai đã mê nhạc, thích hội họa, yêu muông thú và cây cảnh. Phải chăng điều đó đã dẫn dắt ông đến với con đường văn chương và gắn bó với miền sơn cước. Cuộc đời Sao Mai li kỳ, vất vả, gian truân như ông đã viết về mình: “Tôi như mảnh chăn tiết kiệm, năm tháng là những mụn vải thừa, mang nhiều màu, nhiều hình khác nhau… Học hành rồi cũng đỗ đạt, sống trong điều kiện “nay đây, mai đó”. Đã có lúc được bố cho sang Pari để học nhưng vì nhà nghèo lại phải về. Lam lũ, cực nhọc, việc gì cũng trải: Gõ đầu trẻ, làm báo, viết văn, làm vườn…” Sao Mai là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1948, Nguyên là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1, Nguyên Trưởng Ty Bình dân Học vụ, Chủ bút báo Nam Định kháng chiến, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNTVĩnh Phú.

Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông luôn gắn liền, hòa quyện và lấp lánh như trăng sao. Phải chăng cái tư chất ấy mà dẫn dắt Sao Mai đến với văn chương từ thuở thiếu thời. Với các bút danh Trần Đạt Cơ, Mai Điệp, Sao Mai… ông đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm văn học có giá trị: Thơ, phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận văn học… Cuộc đời Sao Mai thăng trầm, thuở nhỏ vất vả, lớn lên 1943-1944 hoạt động Việt Minh và Hội truyền bá Cứu quốc, làm báo ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội từng bị mật thám Pháp bắt giam 1950,1952, cũng từng là con nghiện nặng. Nhưng văn thơ thì lai láng, bay bổng và lắng đọng lòng người theo thời gian. Mười bảy tuổi đã cho ra mắt bạn đọc tập truyện viết cho thiếu nhi “Con khỉ thọt” (1941); Hai mươi mốt tuổi có kịch nói “Học quốc ngữ” (1945); Hai mươi hai tuổi xuất bản tập truyện ngắn “Uất” (1946). Tiếp sau đó lần lượt các tập truyện, thơ, truyện ký, tiểu thuyết cứ lần lượt ra mắt bạn đọc với sự ngưỡng mộ thán phục. Trong tổng số trên 30 tác phẩm của Sao Mai đã xuất bản có hàng chục tiểu thuyết, nhiều luận đề được đánh giá là mang tính văn học và lý luận cao như bàn về “Trinh phụ ngâm” “Cung oán  ngâm khúc” hay “Tỳ bà hành”… thời kháng chiến có “Nhìn xuống” tiểu thuyết 1952; chống cưỡng ép di cư: có “Trại di cư Pagot Hải Phòng” phóng sự 1955; cải cách rộng đất: có “Thôn Bầu thắc mắc”tiểu thuyết 1957; về gương người tốt: có “Ba Vì núi mới”viết về anh hùng Hồ Giáo 1962; về xây dựng kinh tế mới: có “Tìm đất” kí sự 1966, “ Sông rừng” tiểu thuyết 1980, “ Mắt chim le”tập truyện 1983, “Lông chim nhạn” trập truyện 1985, “Lá về mây” tiểu thuyết 1986, “Sáng tối mặt người” tiểu thuyết 2003, “Tuyển tập Sao Mai” 2003; cùng hàng trăm bài báo mang tính lý luận, phát hiện, đề xuất, dự báo có giá trị thuyết phục. Tiểu thuyết “Sáng tối mặt người” ra mắt bạn đọc vào dịp nhà văn 75 tuổi, là một bức tranh khắc họa rõ về cuộc đời của nhà văn, cũng như số phận một con người mà không ít người cũng từng nếm trải. Văn Sao Mai mộc mạc, chân chất nhưng sang trọng giống như con người ông vậy, mang dáng vẻ thanh tú của giống người Giéc-manh.

 Nhà văn Sao Mai với thơ

Không chỉ có văn xuôi, ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, phóng sự. Sao Mai còn là tác giả của nhiều bài thơ để đời. Theo nhà thơ Vân Long con người thơ Sao Mai được phân làm hai mảng, mảng thơ có xu hướng ngoại cảm: “Có phải tôi đi tìm khí hạo nhiên mới, hơi Đông nhiều hơn hơi Tây?/ Nó ở vùng nào, quỹ đạo nào, hay ở một thiên hà xa vừa thấy?/ Nó đang đợi những nhà văn học ngoại cảm, văn học ngoại cảm. Bạn có giúp tôi chăng?” Thơ Lê Đạt-Sao Mai, NXB Thanh niên 1991. Kính sợ ông khi đọc hai câu: Gốc em anh nghỉ nâu huyền thoại/Vàng lá hồn nhau lá trắng đường (Về) Sao Mai có rất nhiều thơ, nhiều bài thơ đọc đến dợn người, nhiều bài đọc day dứt, xâu thẳm cõi người khiến người ta bị ám ảnh mãi không thôi. Một trong số các bài thơ ấy mà tôi rất thích và thuộc lòng là bài: “Trưa quê".

Trưa ấy quê nhà, mây trắng mây

Đường trưa hun hút nắng vai gầy

Người trong trưa quạnh nhìn không nói

Mắt trẻ trưa làng xanh ánh cây


Trưa xóm đầu thôn trưa như không

Trưa về gờn gợn cỏ may đồng

Trưa nào xa quá gà đương gáy

Ngang hơi gà xưa trưa quê sông


Từ độ người đi biết trưa quê

Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về

Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn

Thơm đến trưa này trưa mướp quê.

 Mười ba tiếng trưa ấy láy đi láy lại trên 12 câu thơ, như ám ảnh về không gian, thời gian cứ sâu hun hút trong cái ngõ quê, một bờ vai gầy người thôn nữ đang mệt nhọc lặng lẽ về nhà sau buổi làm đồng vất vả, vẫn những mảng mây trắng trưa hè, cỏ may đồng gờn gợn tiếng gà trưa… Những trưa quê ấy thân thuộc lắm với chúng tôi, từng là những đứa trẻ nhà quê, cởi trần đánh bi, đánh quay buổi trưa trên các con đường làng, giờ còn trong kí ức không thể nào quên. Ôi cái buổi trưa như không ấy mà làm nao lòng nhân thế.

Tôi có kỉ niệm đặc biệt với nhà văn Sao Mai khi ông viết bài thơ này vào một buổi trưa mùa hè, ông đã đọc đi, đọc lại nhiều lần cho tôi nghe. Riêng hai câu cuối lúc đâu ông viết là: Hoa vàng trưa ấy còn bay phấn/Thơm đến trua này trưa mướp quê. Tôi đã góp ý nhà văn đổi là Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn (chữ Vàng đăt đầu câu thay cho chữ Hoa) nhà văn vỗ bùi khen hay và ông quyết định sửa như thế. Gần 70 năm theo đuổi nghiệp văn không mệt mỏi ông viết cho tuổi thơ, cho người lớn, viết cho người Kinh, người thiểu số, cho người đồng bằng, người miền núi, cho trí thức và cho dân cày… Viết cho đối tượng nào ông hòa nhập với họ để rồi đồng cảm, nung nấu, ấp ủ, biến nó thành văn, thành thơ để ca ngợi cái hay của cuộc đời, lên án cái đê tiện thấp hèn. Cuộc đời 85 năm nhưng Sao Mai có hơn 40 năm sống ở Văn Luông (Thanh Sơn). Xa thành phố, xa bạn bè nhưng ông vẫn viết, viết say mê quên cả mình đang ở trên cái tuổi “xưa nay hiếm”. Nhà văn Tô Hoài từng viết về ông: “Tôi quý Sao Mai trong hoàn cảnh nào thì công việc viết với anh cũng như một cứu cánh. Bấn đến đâu cũng thấy Sao Mai cầm bút, cái nghề chân chính đã là quá phúc của ông” (Báo Tiền phong ngày 8/3/1998). Từ những năm 1950 nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng từng khen ngợi “Những cái cố gắng của anh Sao Mai thật là cảm động, anh sống sát dân cày, anh nghe họ nói, anh nhìn họ làm, anh theo dõi cuộc sống hàng ngày và từng bước tiến của họ. Ít có nhà văn trẻ khổ công như anh, tìm tòi, ghi chép có phương pháp như anh…” và “Anh là nhà văn của dân cày” (Báo văn nghệ số xuân 1950). Sao Mai có cách sống dễ gần, dễ hòa hợp. Đang là nhà giáo nhưng khi cần, sẵn sàng trở thành một thợ cày, một người nông dân… mà không chút suy tư so sánh. Chẳng thế mà ở Văn Luông nơi gia đình ông sinh sống có một trang trại Sao Mai đầy tiềm năng. Người ta bảo: Sao Mai ở thành phố là trí thức, về nông thôn là nông dân, lên rừng là một chủ trang trại, người thợ rừng. “Làm ruộng quá chăm hình như mải vui thú đồng quê quên cả mình là nhà văn…”.

Nhớ lại năm 1964, Hà Nội cũng như cả miền Bắc đang gặp khó khăn về kinh tế, lại đang dốc sức chi viện cho miền Nam. Một phong trào vận động đưa dân đi khai hoang phát triển kinh tế miền núi. Trong cảnh ngộ cơm áo không đùa với khách thơ, nhà văn Sao Mai như người sắp chết đuối vớ được cọc. Ông bàn với hai bà vợ quyết chí đi khai hoang như những người tình nguyện...Từ Hà Nội lên Thanh Sơn mà phải đi hết một tuần. Những người dân địa phương đón dân Hà Nội với một tấm lòng của những người anh em ruột thịt. Họ dựng cho những ngôi nhà dông, tức là các ngôi nhà chôn cột xuống đất. Bảy anh em, lít nhít trứng gà trứng vịt, chị gái mười bốn, em bé nhỏ nhất mới hơn một tuổi.

Khi tiêu chuẩn lương thực của nhà nước cấp đã hết, nhiều gia đình lục tục bỏ về Hà Nội. Chính những ngày cam go ấy, ba vợ chồng nhà văn Sao Mai, nhờ sự giúp đỡ đùm bọc của những người dân địa phương, của bạn bè văn nghệ Phú Thọ, đã trụ lại. Họ lên rừng chặt nứa, đóng thành bè, ông biết bơi, ngồi giữa, sẵn sàng ứng cứu khi có bà nào ngã xuống suối. Hai bà thay nhau chống sào, đưa bè nứa xuôi dòng sông Bứa, vượt thác Mơn, thác Chàng về cập bến Phố Vàng để đổi lấy gạo, muối và dầu hỏa, vải vóc, giấy bút… Có lúc tên nhà văn Sao Mai ít thấy xuất hiện trên văn đàn, nhưng cái tên công dân Tân Khải Minh thì- một điển hình làm ăn giỏi của xã Văn Luông được cả huyện, cả tỉnh, rồi toàn quốc mời đi báo cáo trong các hội nghị, được đài báo đăng truyền khắp nơi.

Thực tế đời sống thôi thúc ngòi bút. Thế là bắt đầu một thời kỳ viết đầy cảm hứng ôn: “Ba Vì núi mới”, “Làng Cao”, “Sông rừng”, “Tìm đất”, “Xanh mãi con đường”... của Sao Mai lần lượt ra đời trên vùng đất mới.

Cho đến khi ông ra làm việc ở hội văn nghệ tỉnh thì đến lúc này coi như chấm dứt thời kỳ bĩ cực, chuyển sang một chương mới. Mười hai người con của ông đều đã trưởng thành. Các anh con trai, anh từ chiến trường về, anh tốt nghiệp đại học, đều có công ăn việc làm ổn định, năm anh trở thành đảng viên, ba anh làm rể xứ Mường. Mười hai ngôi nhà lầu đồng loạt mọc lên. Xóm mới Sao Mai rộng hàng chục hécta nối dài khắp các triền đồi, thung lũng, tạo thành một tổ hợp trang trại với ao cá, ruộng lúa, vườn vải, hồng, cam chanh và trùng điệp những đồi chè... Với tài văn và nhân cách sống vô tư gần gũi, nhà văn Sao Mai được tất cả mọi người yêu quí, không chỉ có các thế hệ văn nghệ sĩ, nhà báo cả nước, cả tỉnh, mà lãnh đạo tỉnh cũng luôn dành cho ông sự trân trọng quí mến đặc biệt.

Xuất phát từ sự quí trọng ông, những đóng góp của ông cho nên văn học nước nhà. Khi ở cương vị Chủ tịch hội, tôi đã chủ động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo qui mô quốc gia về Văn chương và Cuộc đời Sao Mai; một buổi lễ mừng thọ ông tuổi 80 cũng thật hoành tráng, rồi tiếp đó cùng với Hồng Chính chúng tôi đã sưu tầm tư liệu, các bài viết về ông. Biên soạn và xuất bản cuốn sách “Sao Mai trong lòng bạn bè”.

 Nhà văn đa tài và đa tình Sao Mai đã từ giã cõi đời năm 85 tuổi với 12 người con và 62 đứa cháu nội ngoại!                                                      

Đỗ Ngọc Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực