Những chuyến thăm cây thị ở Phủ Khống của tướng Hiệu

Thứ hai, 22/02/2021 14:28
(ĐCSVN) - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) hàng năm thường đến thăm cây thị ở Phủ Khống vài ba lần. Ông đến đây để chiêm nghiệm lại kỳ tích trong lịch sử, để lắng nghe tiếng tiền nhân vọng về dặn dò, và để ghim lại một nguyện cầu cho đất nước.
leftcenterrightdel
Phủ Khống nằm dưới tán cây thị. Ảnh: petrotimes.vn  

Chuyến đi gần đây nhất của tướng Hiệu về thăm cây thị ngàn năm ở Phủ Khống là vào tháng 10/2020. Cuối thu tiết trời thật đẹp. Ông đi cùng nhóm các nhà văn, nhà báo và sĩ quan thân cận về dự Lễ giỗ lần thứ 1041 cụ Tổ dòng họ Nguyễn, Đức Thái Thủy tổ - Thái Tể Định Quốc công Nguyễn Bặc tại Gia Phương (Gia Viễn, Ninh Bình). Sau buổi lễ, tướng Hiệu cùng nhóm nhà văn, nhà báo và sĩ quan quân đội lên đường đi thăm cây thị ở Phủ Khống.

Đoàn xuống bến đò Tràng An lấy thuyền nan đi dọc dòng sông Sào Khê yên bình chảy trong thung lũng giữa hai dãy núi đá hướng về Phủ Khống. Thuyền phải đi qua dăm đến bảy hang thẳm, chui qua lòng núi, thì mới tới được Phủ Khống. Đột nhiên, tướng Hiệu thay đổi tư thế, ông không ngồi thuyền ngắm cảnh như bình thường nữa, mà lặng lẽ nằm xuống thuyền, ngửa mặt ngắm trời. Trời không nắng nên ông có thể thoải mái ngắm trời mây, ngắm vòm hang động từ hướng nhìn lạ nhất. Mọi người trong đoàn đều ngạc nhiên và bật cười vì cách lựa chọn của ông. Riêng tôi thì nghĩ, đó là một hành động thể hiện tính cách khác biệt và sáng tạo của vị tướng năng động, thông thái này. Tôi cũng bắt chước ông, nằm thuyền “đi” một đoạn, và thấy thật thư giãn, cảm nhận phong cảnh thật khác lạ. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy cây thị ngàn tuổi tỏa bóng mát chở che mái Phủ. Phong cảnh đẹp như một bức tranh với dòng sông nước về trong mát, với bến đò lên Phủ, và bóng cây thị xanh đậm phủ bóng êm đềm lên mái ngói âm dương trầm tích.

Tướng Hiệu cho biết, cây thị này đã sống cả ngàn năm, gắn với dòng họ Nguyễn của cụ tổ Nguyễn Bặc trong gia tộc tướng Hiệu. Dưới gốc thị ở Phủ Khống này, 7 vị quan trung thần, trong đó có cụ Nguyễn Bặc đã uống chung ly rượu độc tuẫn tiết để mang theo bí mật về ngôi mộ thật của vua Đinh Tiên Hoàng về thế giới bên kia. Tướng Hiệu và dòng họ Nguyễn quê hương Gia Viễn, Ninh Bình của ông đều hết sức tự hào về uy danh của cụ Nguyễn Bặc và luôn theo truyền thống trung quân ái quốc mà cụ đã làm gương.

Cây thị này ngoài sức sống trường tồn, thì còn có một đặc điểm thật kỳ bí, đó là cùng trên một cành có thể cho hai loại quả khác nhau, quả tròn và quả dẹt khi vào mùa thị. Đây là cây thị duy nhất ở Việt Nam có hai loại quả trên cùng một cây. Cây cao thẳng tắp, lá xanh thẫm dày, và bộ rễ cây mới thật khủng, rễ nổi trên mặt đất, bám chặt vào đá, ăn sâu trong đá, và uốn lượn như thân rồng, vỏ rễ và vỏ cây đều đen thẫm, chắc chắn vô cùng. Hàng ngày du khách đến đây đều thắp hương và vái lạy, tin tưởng vào sự linh thiêng của cây, với linh khí đất trời, người hội tụ. Tương truyền, có lần cây thị bị gió bão quật gãy ngang thân, thì mầm cây mới lại mọc lên từ gốc đó, tiếp tục lớn và cho bóng mát, cho quả. Cây bất khuất sống qua cả ngàn năm, mặc cho mưa bão, bom đạn tơi bời, cây vẫn đứng đó trên bến chở che cho Phủ Khống, mang bóng mát cho người trú ngụ, mang quả ngọt cho chim chóc,… Tinh thần của cây, của người, của lịch sử đất nước hòa quyện nơi đây, xứng là nơi để khách thập phương về tham quan, chiêm nghiệm bài học lịch sử của thiên nhiên và con người.

Rời thuyền bước lên bến vào Phủ Khống, tướng Hiệu thắp hương trong Phủ, và dưới gốc cây thị, ông đứng lặng nguyện cầu. Cuối thu đầu đông Phủ Khống vắng khách, chỉ nghe tiếng gió vi vút, tiếng lá thị xao động mơ hồ, tiếng mái chèo khua nước nhè nhẹ phía xa xa, không khí thinh lặng càng làm cho chúng tôi có cảm giác về sự linh thiêng đặc biệt tại đây, lúc này. Tướng Hiệu khi đứng trước cây thị, thêm một lần tự nhắc mình về lòng trung thành với non sông đất nước, với Tổ quốc Việt Nam, và ông cầu mong cho Quốc thái Dân an, Người hạnh phúc. Bài học về đời cây, đời người, biểu tượng về lòng trung thành, sự trường tồn nơi di tích Phủ Khống, cứ lẳng lặng vang vọng trong tâm hồn chúng tôi./.                                                                                   

Kiều Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực