Những gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hệ giá trị quốc gia

Thứ năm, 24/11/2022 19:42
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hệ giá trị quốc gia là vấn đề lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng con đường phát triển của quốc gia, dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên đề xuất nhiệm vụ cần phải tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: dangcongsan.vn) 

Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phác thảo hệ giá trị quốc gia gồm các giá trị cốt lõi “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. Đây là những gợi ý quan trọng để việc nghiên cứu, xác định, triển khai hệ giá trị quốc gia đạt hiệu quả cao nhất trong bối cảnh, tình hình hiện nay.

Vai trò của hệ giá trị quốc gia

Hệ giá trị quốc gia là những giá trị phổ quát, mang tính tiêu biểu, đại diện cho ý chí, khát vọng của quốc gia, dân tộc trên con đường thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp.

Hệ giá trị là kết quả của quá trình con người không ngừng sáng tạo, cải biến tự nhiên, xã hội để thích ứng, sinh tồn và không ngừng phát triển. Những sáng tạo đó kết tinh và biểu hiện sinh động, đa dạng qua những giá trị vật chất và tinh thần. Tập hợp của nhiều giá trị thì gọi là hệ giá trị.

Hệ giá trị quốc gia bao gồm những giá trị nền tảng, cốt lõi, phản ánh truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc; thể hiện mong ước, khát vọng của người dân, hướng đến những điều tốt đẹp, tiến bộ, văn minh.

Trong mỗi một giai đoạn, thời kỳ, do đặc điểm, tính chất của thể chế, chế độ, bối cảnh tình hình khách quan mà việc xây dựng, lựa chọn những giá trị mang tính chuẩn mực chung của cộng đồng, xã hội, quốc gia có sự khúc xạ khác nhau, biểu hiện qua việc sắp xếp, đề cao giá trị nào là giá trị tiêu biểu, đứng đầu trong thang bảng giá trị.

Việc xây dựng thành công hệ giá trị quốc gia sẽ góp phần củng cố và kiến tạo nền tảng tinh thần vững mạnh của xã hội, thắt chặt tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động của muôn triệu người dân khắp mọi miền, thuộc các thành phần, tầng lớp, giai cấp, dân tộc khác nhau, tạo sức mạnh nội sinh để thực hiện những mục tiêu, lý tưởng cao cả.

Hệ giá trị bao gồm những giá trị đã được định hình, khẳng định và phát huy trong lịch sử và những giá trị mang tính định hướng, thể hiện khát vọng, mong ước của con người. Vì thế hệ giá trị góp phần kiến tạo bản sắc văn hóa, khẳng định vị thế, vai trò, sứ mệnh của quốc gia, dân tộc trên con đường phát triển. Đồng thời hệ giá trị còn đóng vai trò dẫn dắt, soi đường, định hướng con đường đi tới của dân tộc, đất nước.

Các quốc gia trong quá trình phát triển đều hướng đến xây dựng, kiếm tìm và định hình cho mình những triết lý, mục tiêu nhất định với những giá trị được tuyên bố và chia sẻ, tạo động lực, niềm tin để huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 1981, Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành văn bản “5 chuẩn mực, 4 phẩm chất, 3 tình yêu” như một hệ giá trị định hướng. Năm 2006 khái niệm “Hệ thống giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa” được đề xuất và năm 2013, Ðảng Cộng sản Trung Quốc công bố “Hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa” gồm 12 giá trị quy về ba nhóm: Giá trị quốc gia là Thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hài hòa; Giá trị xã hội: Tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị; Giá trị cá nhân: Yêu nước, trọng nghề, thành tín, thân thiện.

Trên cơ sở những giá trị truyền thống kết hợp với những giá trị thời đại, Nhật Bản đã xây dựng cho mình hệ giá trị truyền thống gồm 8 giá trị tiêu biểu: Đoàn kết, kỷ luật, nhẫn nại, trung thành, trách nhiệm, lịch sự, tự chủ, tránh làm phiền người khác. Và những giá trị cốt lõi trong hội nhập quốc tế, gồm 5 giá trị: Cộng sinh, cộng tồn; Biết điều chỉnh bản thân; Tư duy độc lập; Biết sáng tạo cái mới; Tôn trọng sự khác biệt.

Với Malaysia, một quốc gia có tới 24,6% dân số là người gốc Hoa và 50,4% người bản địa (Malaysia), đã xác định hệ giá trị quốc gia gồm: Tin vào Thượng đế; Trung thành với nhà vua và đất nước; Tuân thủ hiến pháp; Cai trị bằng pháp luật; Hành vi tốt, đạo đức tốt.

Các giá trị chung của Singapore được Quốc hội thông qua vào năm 1991, gồm 5 giá trị: Quốc gia trên hết, xã hội đầu tiên; Gia đình là gốc, xã hội là thân; Quan tâm giống nhau, đồng cam cộng khổ; Tìm cái đồng, gạt bất đồng, hiệp thương cùng hiểu biết; Chủng tộc hài hòa, tôn giáo khoan dung.

Ở các nước châu Âu, trong “Báo cáo biểu mẫu thang đo giá trị châu Âu” ban hành năm 2012, Ủy ban châu Âu qua khảo sát ở 34 nước đã đưa ra các các giá trị tiêu biểu của khu vực, gồm: Hòa bình, dân chủ, nhân quyền, tuân thủ pháp luật tinh thần đoàn kết. Riêng ở Cộng hòa Liên bang Đức, các giá trị được người dân đề cao là: Trung thực, tự chủ, độ tin cậy, tính hữu ích, hành vi đúng đắn, trách nhiệm và thân thiện.

Có thể nói, trong quá trình phát triển, các quốc gia, khu vực đều hướng đến việc xây dựng hệ giá trị chung, thống nhất, thể hiện tính chất, đặc trưng của thể chế, chế độ; kiến tạo bản sắc, khẳng định hình ảnh, vị thế của quốc gia, dân tộc mình. Đồng thời hệ giá trị còn phản ánh ý chí, khát vọng và quyết tâm hành động của người dân trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, giàu bản sắc.

Ở nước ta, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trên cơ sở nền tảng của những giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp của gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, đồng thời có sự bổ sung, tiếp thu những giá trị mới của thời đại. Xây dựng hệ giá trị quốc gia nhằm khẳng định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như tinh thần, khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Những gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hệ giá trị quốc gia

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra 9 giá trị cấu thành lên Hệ giá trị quốc gia là “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Đây là những giá trị tiêu biểu đã được thực tiễn lịch sử khẳng định, minh chứng, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Đồng thời những giá trị này còn mang tính định hướng, thể hiện mục tiêu, khát vọng, lý tưởng và quyết tâm của toàn dân tộc nhằm bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, kháng chiến và công cuộc đổi mới. Tất cả vì độc lập dân tộc, vì mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội.

Trong bảng giá trị này, Tổng Bí thư đưa “Hòa bình” bên cạnh hai giá trị “thống nhất, độc lập” lên trên, trước hết. Hòa bình - Thống nhất - Độc lập là những giá trị hằng xuyên mà cha ông trong suốt chiều dài lịch sử đã hy sinh biết bao xương máu để gây dựng cơ đồ, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do. Đây là những giá trị mang tính linh thiêng, kết tụ sức mạnh, ý chí của hồn núi sông, của tinh thần quyết tử và lòng yêu nước nồng nàn của lớp lớp các thế hệ người dân Việt Nam.

Ở vào vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, cửa ngõ đi vào Đông Nam Á, từ thuở dựng nước, khai mở cơ đồ, Việt Nam luôn bị các thế lực ở phương Bắc, phương Tây nhòm ngó, xâm lăng, thôn tính. Vì thế hơn ai hết người dân Việt Nam hiểu rõ ý nghĩa của hòa bình, thống nhất, độc lập.

Trải qua các cuộc chiến tranh chống lại âm mưu của kẻ thù đã hun đúc nên lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc của con người Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. 

Để gìn giữ nền độc lập, tự do, thống nhất nước nhà, mỗi người dân Việt Nam từ trẻ tới già đều nêu cao tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và ý chí, quyết tâm sẵn sàng “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Những lời kêu gọi, tuyên bố đanh thép, hùng hồn ấy đã trở thành lời thề thiêng liêng, bất tử, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình lịch sử dân tộc. Đó là biểu tượng của niềm kiêu hãnh, tự hào, tự tôn dân tộc và cũng là ý chí, quyết tâm của muôn triệu người dân Việt Nam hiện nay và mai sau sẵn sàng hy sinh tất cả để gìn giữ, bảo vệ giá trị của hòa bình, thống nhất, độc lập của dân tộc, đất nước.

Mục tiêu, đặc trưng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được cụ thể hóa trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Điều lệ Đảng và được bổ sung, làm rõ qua các kỳ Đại hội Đảng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994), Đảng ta xác định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là “vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đến Đại hội lần thứ IX bổ sung thêm giá trị dân chủ, thành “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và mục tiêu tổng quát mà Cương lĩnh đưa ra là phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Những giá trị: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” là những đặc trưng nổi bật, là mục tiêu và cái đích hướng tới trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ở đây Tổng Bí thư đã có sự kế thừa, bổ sung và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đi tìm “hình của nước”, Người chỉ có “một ham muốn tột bậc”, đó là: “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; là mong ước, khát vọng lớn lao xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu; là mang lại hạnh phúc, tự do, ấm no cho đồng bào, bởi một lẽ “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Ngày nay, sau hơn 35 thực hiện công cuộc đổi mới, những giá trị “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” vẫn mang tính thời sự và tinh thần thời đại, phản ánh truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, khát vọng muôn đời của ông cha và những thế hệ con cháu Lạc Hồng.

Chín giá trị cốt lõi, tiêu biểu mà Tổng Bí thư đưa ra là những chỉ dẫn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, xác định và triển khai có hiệu quả “Hệ giá trị quốc gia”, biến những giá trị đó thành động lực tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta sẽ trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa như mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

TS Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực