NSƯT Tiến Hợi: Được đóng vai Bác Hồ là niềm vinh dự lớn

Thứ hai, 18/05/2020 17:41
(ĐCSVN) - NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), NSƯT Tiến Hợi đã chia sẻ những cảm xúc khi ông hóa thân vào các vai diễn về Người.

Phóng viên (PV): Thưa NSƯT Tiến Hợi, cơ duyên nào đã đưa ông đến với các vai diễn về hình tượng Bác Hồ?

NSƯT Tiến Hợi: Nói về hình tượng Bác Hồ trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu và điện ảnh truyền hình, lần đầu tiên tôi được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch “Đêm trắng” của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 (Tác giả Lưu Quang Hà; Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang).

Thời điểm đấy tôi còn trẻ, mới 28 tuổi. Trong khi việc lựa chọn diễn viên để thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch này là vấn đề rất lớn và khó. Đoàn đã có ý định mời một số người đi trước đã từng đóng vai Bác Hồ trong nhiều vở diễn khác để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở “Đêm trắng”. Tuy nhiên, đặc thù của Đoàn là đi diễn ở các nơi vùng núi phía Bắc, phục vụ các chiến sĩ rất vất vả, nếu thuê thì cũng rất khó khăn. Đạo diễn đã chọn ra hai người trong Đoàn để thử hóa trang, trong đó có tôi. Khi chụp ảnh gửi về đoàn, không ngờ mọi người đánh giá cao, trông dáng dấp từ khuôn mặt, ánh mắt, phom dáng giống y hệt Bác, nên tôi đã được chọn.

 NSƯT Tiến Hợi trong vai diễn Bác Hồ. (Ảnh: Tất Sơn/TTXVN)

PV: Ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi còn đang rất trẻ mà được nhận vai diễn về Bác Hồ?

NSƯT Tiến Hợi : Có thể nói cảm xúc rất khó tả! Đây là niềm vui, niềm sung sướng, niềm hạnh phúc, vinh dự nhưng cũng đầy áp lực. Bước đầu, tôi suy nghĩ nhiều và nói với lãnh đạo Đoàn cho tôi xem tất cả những thước phim tư liệu nói về Bác trong thời kỳ Bác hoạt động ở chiến khu. Tôi cũng xem liên tục, nghe kỹ giọng nói của Bác. Quan điểm của tôi, muốn thể hiện tốt vai diễn về Bác Hồ, ngoài việc hóa trang thành công thì phải có dáng dấp toát lên thần thái của Bác. Thứ hai, giọng nói phải giống Bác để khán giả xem mới cảm thấy đấy là Bác Hồ.

Quá trình tập vở diễn này, sáng tôi lên sàn tập với anh em, chiều tôi xem phim tư liệu, tối nghe băng. Cứ liên tục như vậy khoảng hai tháng rưỡi, tôi không bao giờ rời khỏi hình ảnh của Bác, cũng như giọng nói của Bác vẫn luôn văng vẳng trong tôi.

PV: Trong vai diễn này, ông phải thể hiện hình tượng về Bác như thế nào?

NSƯT Tiến Hợi: Thứ nhất, trong vở “Đêm trắng”, tôi phải xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách rõ nét nhất, sự kiên quyết của Bác, cũng như tình cảm của Bác dành cho Bộ đội chiến sĩ, sự yêu thương của Bác khi thấy được nỗi thống khổ của chiến sĩ, sự đau xót, thương cảm, sự quyết tâm của Bác trong nhân vật này được thể hiện rõ nét.

Thứ hai, thể hiện sự dí dỏm, hài hước của Bác để các nhân vật khác cũng cảm thấy tình cảm gần gũi, thân thương.

Thứ ba, tôi phải quyết tâm thể hiện bằng được sự bực tức, nóng giận của Bác. Để thể hiện vấn đề này, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, hỏi đạo diễn, tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, gặp bác Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ kể về Bác… Sau những lần gặp gỡ, trao đổi, tôi đã áp dụng đưa lên sân khấu sao cho nhuần nhuyễn, ngọt ngào để khán giả cảm nhận được đó chính là Hồ Chủ tịch.

PV: Phân đoạn nào trong vở kịch này mà ông thấy cảm động nhất?

NSƯT Tiến Hợi: Cảm động thì rất nhiều, nhưng trong đó có cảnh tôi diễn khi Bác Hồ xuất hiện đầu tiên, Bác đóng giả một ông già. Khi đến một đơn vị, Bác yêu cầu không được nói sự xuất hiện của Bác ở đơn vị ấy, vì Bác muốn tìm hiểu cuộc sống của bộ đội, chiến sĩ như thế nào. Tại đây, Bác nghe mọi người nói chuyện, kể những vất vả, khó khăn: rét mướt, quần áo không đủ mặc, ăn uống thì thiếu thốn, bị sốt rét… thì cảm xúc của Bác dâng trào. Bác nói: “Bác đây”. Khi Bác bỏ khăn quàng ra thì mọi người ào lên, lao đến Bác. Bác không kìm được nước mắt. Với hơn 300 buổi diễn, lần nào tôi cũng xúc động khi diễn đến phân đoạn này.

NSƯT Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn". (Ảnh cắt từ phim) 

Cảnh thứ hai là khi Bác xem xét án tử hình một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Hoàng Trọng Vinh, mắc tội biển thủ, tham nhũng, làm giảm sút sức chiến đấu của quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở phân cảnh này, tôi phải thể hiện sự tức giận khi phải xem xét hình phạt đối với một người từng là đảng viên, cũng chính là người mà Bác đã từng cất nhắc. Bên cạnh đó, tôi còn phải thể hiện sự mất mát, đau xót khi mất đi một người đảng viên ở vị trí cao như thế.

PV: Được biết, đêm ra mắt vở “Đêm trắng” là ở Nhà hát lớn Hà Nội, kỷ niệm của ông trong đêm diễn này là gì?

NSƯT Tiến Hợi:  Tôi nhớ mãi không bao giờ quên hình ảnh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, những bậc tiền bối đã từng sống và phục vụ Bác ngồi chăm chú theo dõi vở kịch. Tôi áp lực lớn lắm nên khi hóa trang xong rồi, tôi ngồi tĩnh lặng, hít thở thật sâu chờ tới phân đoạn của mình. Khi xuất hiện ra giữa sân khấu, ở dưới khán giả đứng dậy ào ào vỗ tay rất lâu. Thực sự, tôi phải trấn tĩnh một lúc rồi lại tiếp tục diễn. Đến mỗi đoạn có Bác Hồ, tôi cảm nhận được khán giả đã cảm xúc dâng trào, có những người rơi nước mắt. Kết thúc vở diễn đấy rất nhiều người lên tặng hoa. Tôi còn nhớ hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tặng hoa khi vở kịch kết thúc. Đại tướng đã khóc, nhưng miệng vẫn cười, và chỉ nói mấy từ: “Cảm ơn, cảm ơn nhiều”.

Bác Vũ Kỳ xem xong, chạy vào tận phòng hóa trang, yêu cầu tẩy trang để ngắm người đóng vai Bác Hồ này như thế nào. Khi tẩy trang xong, tôi nhìn thấy bác Vũ Kỳ mắt đỏ hoe, cứ ôm ghì, vỗ vai tôi nói: “Tốt lắm, tốt lắm, hay lắm, cố lên nhé!”.

Hay Trung tướng Phạm Hồng Cư, khi đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng vào tận phòng hóa trang, nước mắt trào ra, hổn hển nói: Tiến Hợi ơi, thành công rồi , thành công rồi. Trong buổi họp báo tại hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, vở diễn “Đêm trắng” được đánh giá là một điểm sáng trong thời kỳ 1987. Đây cũng là vở kịch sáng nhất đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết, thể hiện vai Bác Hồ trên điện ảnh, truyền hình thì có gì khác so với sân khấu?

NSƯT Tiến Hợi: Thực sự là khác nhiều, sân khấu có cái khó là một mạch kịch diễn từ đầu đến cuối, diễn viên không thể sửa sai được, sai là hỏng. Vì vậy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tập trung cao độ. Sân khấu thì mang tính cách điệu nhiều, khuôn viên sân khấu hẹp, người nghệ sĩ thể hiện tất cả những trạng thái tâm lý theo tuyến nhân vật, từng cảnh một. Thêm nữa, trên sân khấu, tâm lý, trạng thái, cảm xúc của nhân vật theo mạch từ đầu đến cuối nên cũng dễ hơn. Đối với điện ảnh lại khác hoàn toàn. Điện ảnh có thể quay các cảnh đảo đi đảo lại, bắt buộc người nghệ sĩ phải theo dõi kịch bản để kích tâm lý của mình lên. Do vậy, mạch tâm lý bị ngắt đi. Tuy nhiên, cái dễ trong điện ảnh là anh có thể tập nhuần nhuyễn rồi mới quay, được phép sáng tạo, nghiên cứu, bổ sung những chi tiết vào nhân vật để làm sao cho nhân vật đầy đặn hơn.

 NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ trong phim "Hà Nội mùa đông năm 46". (Ảnh cắt từ phim)

PV: Một trong những thành công của ông khi vào vai Bác Hồ đó là thể hiện giọng nói của Bác bằng giọng Nghệ An, vậy để luyện tập được giọng nói giống Bác như vậy thì ông có mất nhiều thời gian không?

NSƯT Tiến Hợi:  Mỗi một lần diễn xuất về Bác tôi thường phải ôn lại, thông qua kịch bản, nhẩm đi nhẩm lại để làm sao thể hiện được giọng nói chuẩn nhất, phù hợp nhất, đúng với “tông” giọng của Bác ngày xưa. Tuy nhiên, có thể chưa đạt được đến những điều mong muốn thế nhưng khán giả nghe, xem và họ cảm nhận được đó đúng là Bác.

PV: Đến nay, ông đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và các phim điện ảnh hay phim truyền hình, bên cạnh đó là hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm, vậy bí quyết thành công ở các vai diễn đó là gì?

NSƯT Tiến Hợi: Đã là nghệsĩ, khi được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh các giai đoạn lịch sử từ trẻ đến già, bắt buộc người nghệ sĩ phải nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, xem, nghe, rèn luyện, tu dưỡng để làm sao vai diễn của mình phù hợp nhất, thành công nhất. Hơn nữa, trong mỗi vai diễn, nghệ sĩ phải toát lên thần thái của Bác, luôn trong sáng, đầy tình thương, lo cho dân, vì dân.

PV: Sắp tới, ông có ý định tìm người để truyền lại kinh nghiệm hóa thân vào hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh?

NSƯT Tiến Hợi: Là một nghệsĩ, tôi rất mong muốn được truyền lại kinh nghiệm đúc kết của mình cho một ai đó để tiếp tục thể hiện vai Bác Hồ. Nhưng quả thực rất khó để tìm, mình đi tìm người ta hay người ta tìm mình? Người ta phải có tâm huyết, quyết tâm, mong muốn thể hiện vai Bác Hồ thì người ta sẽ tìm đến. Khi đó, mình sẽ truyền tất cả kinh nghiệm để làm sao họ thể hiện thành công vai diễn đó.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hà Thảo (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực