Phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của đội ngũ trí thức phục vụ phát triển đất nước

Thứ tư, 20/10/2021 11:55
(ĐCSVN) – Sau 35 năm đổi mới, vấn đề trí thức và phát huy dân chủ đối với trí thức đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã chỉ rõ: Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước.
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Bích Liên

Sáng ngày 20/10, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm “Phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ phục vụ phát triển đất nước” với sự tham dự của đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học và một số đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tọa đàm nhằm lấy ý kiến các chuyên gia về nội dung phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ phục vụ phát triển đất nước.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, sau 35 năm đổi mới, vấn đề trí thức và phát huy dân chủ đối với trí thức đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội đã chỉ rõ: Đào tào, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước.

Theo đó cần chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người, gắn nghĩa vụ với quyền lời, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội; bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên các lĩnh vực gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật đảm bảo.

Các đại biểu cũng cho rằng, từ những định hướng lớn về trí thức và dân chủ của Cương lĩnh, vấn đề phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ đã ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Bởi vậy, việc xây dựng quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động  khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ là cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo định hướng tại buổi Tọa đàm, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức.

Trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, nghiên cứu và sáng tạo được xem là những khu vực tập trung lực lượng trí thức đông đảo và hùng hậu nhất, một nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của quốc gia trong chiến lược phát triển.

Thực hiện mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, ngày 06 tháng 08 năm 2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó đã nêu rõ một số quan điểm chỉ đạo: Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Đồng thời, Nghị quyết 27 cũng xác định một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là: Ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ; Tăng cường sinh hoạt tư tưởng, phát huy trách nhiệm đội ngũ trí thức trong rèn luyện, phấn đấu, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, như lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, đạo đức, lối sống.

Đến nay, Nghị quyết 27 đã đi vào thực hiện được 13 năm, trong đó nhiều nội dung của Nghị quyết đã được triển khai trong thực tiễn và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nội dung còn chậm được cụ thể hoá, thể chế hoá; việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá.

Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 27, tại Kết luận số 52-KLTW, ngày 30/5/2019, Ban Bí thư đã giao Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, xây dựng Quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá và văn nghệ.

Đặc biệt, qua tổng kết quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2016-2020 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vừa qua của Đảng, một trong những hạn chế, yếu kém còn tồn tại tiếp tục được chỉ ra, đó là "chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong xã hội". Thực tế này một lần nữa lại đặt ra yêu cầu phải xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và để cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học; thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức.

Đây thực sự là những nhiệm vụ hết sức cần thiết trong lộ trình hướng tới mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Bích Liên 

Theo đồng chí Phùng Xuân Nhạ, trước tình hình đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, xây dựng Quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá và văn nghệ.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, đồng chí Phùng Xuân Nhạ đề nghị Tổ soạn thảo cần nhận định về bối cảnh trong nước và quốc tế; yêu câu đặt ra đối với việc phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ.

Đồng thời, đánh giá thực trạng việc thực hiện dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ: Những mặt đã làm được và những vấn để đặt ra hiện nay. Qua đó, đề xuất những quy định cụ thể về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề cập đến vấn đề: Bối cảnh trong nước và quốc tế, yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ; Thực trạng thực hiện dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp  trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ, những mặt đã làm được và những vấn đề đặt ra. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất những quy định  cụ thể về việc phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ.

Các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về quy định phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu, tổng hợp và hoàn thiện văn bản để trình và tham mưu cho Lãnh đạo Ban./..

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực