Phát huy tinh thần và giá trị của "Đường Hồ Chí Minh trên biển"

Bài 1: "Đường Hồ Chí Minh trên biển" và sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta
Thứ sáu, 15/10/2021 10:13
(ĐCSVN) - Cách đây gần 60 năm, với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975).
“Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trở thành huyền thoại, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước. (Ảnh minh họa) 

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong chiến tranh, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam, trong kháng chiến chống Mỹ. Việc thiết lập và duy trì tuyến vận tải đặc biệt quan trọng này trước hết đã khẳng định chủ trương lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng ta.

Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, tương quan so sánh lực lượng tại chiến trường miền Nam giữa ta và ngụy quyền Sài Gòn có sự chênh lệch rất lớn. Do đó, việc miền Bắc đưa được số lượng lớn vật tư, vũ khí, khí tài vào phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam đã tạo nhiều bất ngờ cho đối phương. Đây cũng được coi là điểm nhất quan trọng, góp phần vào hàng loạt thắng lợi quan trọng của của quân và dân miền Nam. Để tạo nên điểm nhấn này, không thể không đề cập đến vai trò lãnh đạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong quyết tâm thiết lập và duy trì "Đường Hồ Chí Minh trên biển".

Sau năm 1954, với sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn đã ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt hai miền Nam - Bắc. Song, nêu cao truyền thống yêu nước, phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam vẫn tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Với tầm nhìn chiến lược, đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định, để cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết. Miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ này với tất cả khả năng của mình trên nguyên tắc góp sức đẩy mạnh cách mạng miền Nam nhưng vẫn giữ vững hòa bình ở miền Bắc...

Bám sát đòi hỏi của chiến trường miền Nam, Thường trực Quân ủy Trung ương cũng nhấn mạnh, lực lượng chi viện bao gồm con người và phương tiện vật chất. Chủ trương này đã cho thấy góc nhìn toàn diện, biện chứng của Đảng ta. Trong đó, con người là những cán bộ, chuyên viên, nhân viên để trực tiếp tham gia xây dựng lực lượng tại chỗ của miền Nam. Phương tiện vật chất, chủ yếu là các loại trang bị, thiết bị, vũ khí, khí tài quân sự, thuốc men... để phục vụ nhu cầu của các mặt trận, trước hết là Liên khu 5 và Nam Bộ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sẽ đưa lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam bằng con đường nào, đường bộ, đường không hay đường thuỷ? Trung ương xác định, đường thuỷ sẽ có nhiều khả năng thực hiện hơn cả. Thường trực Quân uỷ Trung ương cũng chỉ rõ biện pháp tiến hành trong vận tải đường thuỷ là dùng phương tiện từ miền Bắc chở hàng vào miền Nam hoặc từ miền Nam ra chở hàng đưa vào; cũng có thể dùng biện pháp từ trong miền Nam ra kết hợp từ ngoài miền Bắc đưa hàng vào gặp nhau chuyển hàng giữa đường... Như vậy, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện cách mạng miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.

Tượng đài kỷ niệm tại Khu di tích K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), nơi những đoàn tàu không số xuất phát để chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Thực tiễn lịch sử cho thấy, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là tuyến đường vận tải bí mật, bất ngờ. Với việc sử dụng những chiến thuyền nhỏ, “tàu không số”, tuyến đường này có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào chiến trường miền Nam. Đây là minh chứng sống động cho sự lãnh đạo tài tình, sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thiết lập và duy trì “Đường Hồ Chí Minh trên biển” còn là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

Quyết tâm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc mở tuyến đường vận tải trên biển - “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là hết sức kịp thời, đúng thời cơ; đáp ứng những đòi hỏi của chiến trường miền Nam. Với việc mở “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, chúng ta đã triển khai một phương thức vận chuyển “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới, trên cơ sở quy tụ và phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân tộc.

Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” có ý nghĩa quan trọng bởi tuyến vận chuyển này ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” chỉ có thể được duy trì trên cơ sở sự lãnh đạo tài tình của Đảng và tinh thần dũng cảm, không quản hy sinh của quân dân ta. Bởi thời điểm đó, địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân bậc nhất thế giới. Trong khi lực lượng cách mạng chỉ có thể tận dụng các loại tàu thuyền thô sơ, nhỏ bé; sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến; tàu thuyền tham gia tuyến đường sẽ linh hoạt đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có thể đi vòng ra vùng biển quốc tế để tránh bị phát hiện. Trong trường hợp bị phát hiện, cán bộ, chiến sĩ ta sẵn sàng đánh trả quyết liệt, có tình huống buộc phải phá hủy tàu và hàng để bảo đảm bí mật nhiệm vụ và bảo vệ tuyến đường vận tải đặc biệt.

Gần 60 năm đã lùi dần vào lịch sử, song “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã khẳng định rõ sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Không chỉ làm cho đối phương bất ngờ, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” còn gắn liền với bài học về phát huy tinh thần sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp trong chuẩn bị cho những nhiệm vụ quan trọng, khó khăn./.

Tài liệu tham khảo:

(1). Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr 47.

(2). Bộ Tổng Tham mưu 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 193, 194, 195.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực