Ra mắt sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”

Thứ tư, 24/07/2019 18:58
(ĐCSVN) - Sau cuốn “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng”, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội - Dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa khởi xướng tiếp tục ra mắt cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”.

Cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa (Chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích; do NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản.

Cuốn sách dày gần 300 trang, được chia thành 3 chương: Chương 1: Làng Đông Hồ, Chương 2: Các dòng tranh dân gian sản xuất tại Đông Hồ, và chương 3: Tranh dân gian khắc gỗ và vẽ tay.

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” (Ảnh: NXB Thế giới)

Cuốn sách được thực hiện công phu, với hơn 500 hình ảnh (đa số được chụp mới), mô tả khá chi tiết về làng Đông Hồ, các bước làm tranh, các bức tranh Đông Hồ nổi tiếng và những bức tranh Đông Hồ ít được du khách biết tới, đồng thời chân dung nghệ nhân tiêu biểu cũng được khắc họa. Bên cạnh đó sách còn giới thiệu 2 thể loại tranh ít được biết đến của Đông Hồ là tranh đồ thế và tranh trổ giấy hay còn gọi là trổ lé. Đặc biệt, độc giả có thể tìm thấy nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân hoặc đại diện gia đình các nghệ nhân chia sẻ đã giúp cho cuốn sách này có những nét khác biệt so với nhiều cuốn sách tranh Đông Hồ từng xuất bản trước đây.

Tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của nước ta. Nằm giữa một vùng văn hiến Kinh Bắc, dòng tranh này đã hội tụ được tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, đáng yêu với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị. Chủ yếu họ là những người nông dân trồng lúa nước, một nắng hai sương nhưng rất đỗi lạc quan yêu đời.

Tranh Đông Hồ đã chứng tỏ có sức sống mãnh liệt qua mọi thăng trầm để tồn tại cho đến ngày hôm nay. Đây là dòng tranh dân gian lâu đời nhất, đa dạng nhất và có số lượng sản phẩm nhiều nhất của Việt Nam. Tranh Đông Hồ một thời còn vượt không gian để đi đến những nước châu Âu xa xôi, khi mà đây là một trong những mặt hàng văn hóa đại diện cho di sản dân tộc sớm được xuất khẩu đi nước ngoài. Tranh Đông Hồ đã được nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012 và đang được đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO để xếp hạng di sản văn hóa toàn cầu./.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực