Sáng tháng Năm về thăm quê Bác

Thứ tư, 22/05/2019 16:52
(ĐCSVN) - Sáng tháng năm về thăm quê Bác, nắng vàng như rót mật, trải khắp trên những con đường nhựa phẳng lì, bao quanh những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi...
Bà con nhân dân huyện Nam Đàn tiến hành thu hoạch lúa vụ hè thu.

Con đường tỉnh lộ 540, dẫn chúng tôi từ Hoàng Trù quê mẹ sang Làng Sen quê cha, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sinh sống suốt thời thơ ấu. Kim Liên trong những ngày tháng Năm lịch sử rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ hội Làng Sen năm 2019. Hai bên đường, trên những đồng lúa trải vàng, trĩu bông là những chiếc máy gặt đập liên hợp đang “chạy hết công suất”. Từng đoàn xe ô tô chở lúa về rền vang làm cho âm thanh đồng quê trở nên náo nhiệt hơn, báo hiệu một vụ mùa bội thu cho người dân nơi đây.

Vui mừng trước sự đổi thay của xã, đồng chí Phan Văn Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên cho biết: Năm 2014, xã Kim Liên được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2015 – 2020. Đây là vinh dự của chính quyền và nhân dân xã để thực hiện lời căn dặn của Bác khi về thăm quê: “Cán bộ và nhân dân Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”. Mừng sinh nhật thứ 129 của Người, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên vui mừng báo công với Bác là xã nhà đã đạt 18/19 tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu cuối năm 2019 đạt chuẫn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kim Liên trong những ngày này đang nô nức, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên mỗi con đường hướng về Kim Liên đều rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày sinh của Bác. Người dân Kim Liên càng tự hào hơn về mảnh đất đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi gặp ông Phạm Kim Tiến, một người dân xã Kim Liên tự hào nói: “Tháng Năm về, tâm trạng người dân nơi đây lại thêm rạo rực, phấn khởi đầy tự hào đón người dân cả nước đến quê Bác. Vì vậy, ai ai cũng cố gắng phần đấu xây dựng Kim Liên ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách và mọi người, xây dựng và làm đẹp hình ảnh của người dân quê Bác”.

Chậm rãi đi trên con đường dẫn vào ngôi nhà tuổi thơ của Bác, chúng tôi bắt gặp những cụ già râu tóc bạc phơ đến các em nhỏ, những cựu chiến binh trên ngực lấp lánh đầy huân chương, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng nhiều du khách nước ngoài... Họ đến đây từ mọi miền của Tổ quốc, tất cả đều chung một tâm trạng bồi hồi, xúc động. Làng Sen đẹp như một bức tranh yên bình như chính tâm hồn của người dân nơi đây.

Ngôi nhà tranh vách nứa đơn sơ khi xưa Bác ở, vẫn còn đó hàng tre xanh rì rào trong gió, hàng rào dâm bụt vẫn đung đưa nhè nhẹ; hoa cau, hoa bưởi, hương ổi hương sen vẫn thơm nồng... Tất cả vẫn còn đó, nhưng Bác và người thân nay đã đi xa... Ngôi nhà đó được xây dựng từ tấm lòng tôn kính của bà con đối với người cha kính yêu của Bác.

Sau bao năm miệt mài đèn sách, trong khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đậu Phó Bảng. Đây là vinh dự của người dân Làng Sen khi lần đầu tiên có người đỗ đạt cao. Vì vậy, dân làng nơi đây đã trích mảnh đất rộng gần 2500m2, góp tiền, gỗ để dựng lên một ngôi nhà năm gian bằng gỗ, lợp tranh lá mía và mời gia đình ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc về ở.

"Sau 50 năm xa quê đi tìm đường cứu nước cho dân tộc, Bác Hồ chỉ về thăm quê được hai lần. Lần đầu tiên là năm 1957 và lần thứ hai vào năm 1961. Về thăm quê, Bác lặng nhìn khung cửi nơi đây bên ngọn đèn dầu lạc mẹ đã thức trắng bao đêm để dệt những tấm lụa mượt mà nuôi chồng ăn học, chăm sóc các con lớn trưởng thành. Mỗi lúc dệt vải, mẹ thường đặt con vào cánh võng này, bằng những làn điệu dân ca ngọt ngào của quê nhà, mẹ ru các con vào giấc ngủ. Những lời ru của mẹ đã in sâu vào tâm thức của Bác. Để rồi nhớ mẹ không sao ngủ được. Sáng mai Bác tâm sự với các đồng chí đi cùng. “Xa nhà chốc mấy nhiêu niêm/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Để rồi những giây phút cuối đời, Bác chỉ khao khát nghe một làn điệu dân ca, hay một câu hò xứ Nghệ - đó là lúc Bác nhớ mẹ, nhớ quê hương da diết... " - giọng cô thuyết minh vừa dứt, trong tôi  trào dâng những cảm xúc khi nghe những câu chuyện, những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Người.

Từ mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, chị Nguyễn Thị Thủy ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang xúc động chia sẻ: “ Đến nhà Bác, nhìn cảnh vật nơi đây tôi thấy thân thuộc như về nhà của mình. Nhà Bác đơn sơ mà bình dị quá. Đến đây rồi, tôi lại càng thấy kính trọng Bác nhiều hơn. Lần này đi về tôi sẽ kể cho các con cháu nghe những gì mình chứng kiến ở đây để các cháu hiểu hơn về lich sử dân tộc, về sự giản dị và những cống hiến to lớn của Bác cho đất nước” - không kìm nén được cảm xúc, chị Thủy vừa tâm sự, vừa lau vội những giọt nước mắt lăn dài trên má. Có lẽ, tình cảm của chị Thủy cũng là tình cảm chung của mọi người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi được về với quê Bác.

Đưa mắt hướng về khu vườn nhỏ trước nhà Bác, độ này những chùm bông trắng nõn của hoa khoai lang, hoa lạc đang khoe sắc dưới nắng vàng. Giọng nữ thuyết minh nhẹ nhàng: “Trong lần đón Bác về thăm quê, lãnh đạo tỉnh Nghệ An xin phép Bác trồng thêm hoa trong mảnh vườn này để làm đẹp thêm cảnh quan. Lúc đó, độ mùa hoa khoai lang đang nở. Bác cười và nói, “Trồng hoa cho đẹp cũng tốt nhưng Bác thấy hoa khoai lang vẫn đẹp”. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An hiểu ý của Bác rằng, trong khi đất nước đang còn khó khăn, phải tích cực tăng gia sản xuất, phải tận dụng từng thước đất để lo cho cái ăn của dân. Từ đó, mảnh vườn trước nhà Bác vẫn chắt chiu những củ khoai, củ lạc dẫu rằng cuộc sống của người dân đã khá hơn rất nhiều”. 

Đồng chí Bùi Đình Long - Bí thư Đảng ủy huyện Nam Đàn cho biết: Thực hiện lời căn dặn của Bác, cán bộ, đảng viên và người dân Nam Đàn luôn xác định phải thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát khỏi đói nghèo. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 -CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo; qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc được các cấp tuyên dương khen thưởng; có 26 tập thể và 35 cá nhân được huyện tuyên dương khen thưởng và hàng trăm cá nhân, tập thể được biểu dương, khen thưởng tại cơ sở. Nhiều mô hình, điển hình tạo được sức lan toả rộng rãi trong quần chúng nhân dân như: Mô hình "Nâng bước chân em đến trường" của Ban Chỉ Huy Quân sự huyện; Mô hình "Đồng hành, hỗ trợ, bảo vệ nhân dân" của Công an huyện; "Đàn gà khăn quàng đỏ" của Đoàn thanh niên; Tổ liên gia tự quản bảo vệ môi trường của Cựu Chiến binh... Đó là động lực chính góp phần đưa Nam Đàn trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Tháng 5 về thăm quê Bác, chứng kiến những đổi thay nơi đây, du khách ai cũng thấy phấn khởi, tự hào. Và còn gì vui hơn khi chào mừng kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Người, Nam Đàn được Chính phủ chọn là một trong 4 huyện điểm nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước trước năm 2025.

Chia tay người dân Nam Đàn trong nắng chiều dịu ngọt, đi giữa hương sen bát ngát và ân tình của người dân xứ Nghệ, không chỉ chúng tôi mà còn nhiều du khách khác nữa đều cảm nhận như ở đâu đây vẫn còn hơi ấm của Người. Bác Hồ vẫn sống mãi với đất nước, quê hương!

Võ Đông

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực