Tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19

Thứ năm, 07/07/2022 17:59
(ĐCSVN) - Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở căn cứ thông tin, tài liệu cung cấp tại hội nghị để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó đề nghị tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.
leftcenterrightdel
 Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị  (Ảnh: Ngọc Bích)

Ngày 7/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 7/2022 bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa XI; dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong nước, các hoạt động đang dần hồi phục trong trạng thái bình thường mới; nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước được tổ chức thành công, tạo khí thế mới, xung lực mới, nhất là Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, tác động tích cực đến sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại…

leftcenterrightdel
 Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 7/2022 tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Ngọc Bích)

 Bên cạnh những kết quả khả quan trên, vẫn còn những khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực về lạm phát, giá xăng dầu, chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ… đã và đang tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm. 6 tháng cuối năm, bối cảnh, dự báo tình hình quốc tế và trong nước vẫn có những phức tạp. Tuy nhiên trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn. Do đó, các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022 - 2023); chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy khẳng định: Có được kết quả khả quan về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là do nước ta đã triển khai và thực hiện chủ trương nhất quán, đó là: Không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và tuân thủ pháp luật. Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức có tính chất toàn cầu, toàn dân.

Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở căn cứ thông tin, tài liệu các báo cáo viên cung cấp tại hội nghị để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, đồng chí đề nghị Ban Tuyên giáo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm, như: Tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, trong đó, tuyên truyền nhấn mạnh việc tiêm vắc xin COVID-19 là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng; Tuyên truyền kết quả Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022; Tuyên tuyền Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, đặc biệt tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022)…/.

Ngọc Bích

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực