Thanh niên và đồng bào các dân tộc với biển đảo quê hương

Thứ ba, 06/03/2018 18:59
(ĐCSVN) – Thanh niên và đồng bào các dân tộc với biển đảo quê hương là chủ đề hoạt động diễn ra trong suốt tháng 3/2018 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Chương trình gồm nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình yêu biển đảo của thanh niên và đồng bào các dân tộc tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các hoạt động của tháng 3/2018 cùng với lễ hội, hoạt động dân ca, dân vũ đầy sắc xuân sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với Làng, tạo môi trường cho công chúng, nhất là lớp trẻ thêm yêu biển đảo Tổ quốc.

Hoạt động tháng 3 có sự tham gia của khoảng 80 đồng bào của 11 dân tộc: Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 11 địa phương: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Sóc Trăng. Sinh viên, nghệ sĩ, diễn viên của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc; Nhà hát Múa rối Việt Nam; câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tham dự.

Tại Nhà triển lãm làng III, từ ngày 10 đến 31/3 sẽ giới thiệu Không gian biển đảo trong lòng đồng bào, giới thiệu về biển đảo Tổ quốc qua hệ thống âm thanh, hình ảnh, hiện vật, phim tài liệu phong phú, hấp dẫn; giới thiệu 21 phiến đá chủ quyền quần đảo Trường Sa, cột mốc chủ quyền thu nhỏ cùng với nhiều hiện vật của chiến sĩ, nhà báo… về Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tiếp đó, ngày 15/3 đoàn đại diện 11 cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có cuộc gặp gỡ, tri ân, tặng quà cựu chiến binh Lê Xuân Phát (tại Quán Toan, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) -  người cắm cờ giải phóng đảo Song Tử Tây, mở màn giải phóng quần đảo Trường Sa ngày 14/4/1975; tham quan Bảo tàng Hải quân… Ngày 25/3 sẽ diễn ra chương trình giao lưu “Mãi mãi tình yêu biển đảo” dự kiến có sự tham dự của cựu chiến binh Lê Xuân Phát; đồng chí Đỗ Thế Tuyến, nguyên Tham mưu trưởng Đảo Trường Sa lớn; nhà thơ Nguyễn Viết Chiến... Những nhân chứng, khách mời sẽ chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động, kỷ niệm sâu sắc, ý nghĩa gắn với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài các hoạt động nêu trên, trong tháng 3/2018 vẫn diễn ra nhiều hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản làng em”. Trong đó có tái diễn lễ hội AzaKoonh của dân tộc Tà Ôi. Đây là một nghi lễ nông nghiệp của đồng bào dân tộc Tà Ôi cầu mong thần linh phù hộ mùa vụ tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi. Lễ AzaKoonh cũng giới thiệu tới công chúng các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa… của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Tiếp đó, ngày 24/3, diễn ra tái hiện “Lễ hội Xên Lẩu Nó” của đồng bào dân tộc Thái. Lễ Xên Lẩu Nó là ngày hội của cộng đồng, là nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu và cùng hòa mình vào tiếng trống, tiếng chiêng, điệu xòe truyền thống. Bên cạnh đó là chương trình dân ca dân vũ và trò chơi dân gian ngày xuân; giới thiệu ẩm thực truyền thống một số món ăn chế biến từ hoa ban và sản vật địa phương tỉnh Sơn La.

Hoạt động tháng 3 của Làng có các chương trình nghệ thuật: “Mùa xuân trên rẻo cao”, Chương trình múa rối nghệ thuật “Mùa xuân yêu thương” của Nhà hát Múa rối Việt Nam và Chương trình ca múa nhạc “Vùng cao mến yêu” của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu về người phụ nữ, về hạnh phúc gia đình, dân tộc về thế hệ trẻ nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ của tháng; hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm và chùa Pháp Ấn;... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực