Thí sinh khu vực phía Bắc thể hiện tài năng biểu diễn Múa

Thứ ba, 13/10/2020 17:22
(ĐCSVN) – Phát biểu khai mạc cuộc thi “Tài năng biểu diễn Múa năm 2020” khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông cho rằng, cuộc thi nhằm phát hiện, khuyến khích, động viên các tài năng trẻ đã dành nhiều tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nghệ thuật Múa.

Tối 12/10 tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội), Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức khai mạc cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa năm 2020 khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết: Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa 2020 nhằm phát hiện, khuyến khích, động viên các tài năng trẻ đã dành nhiều tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nghệ thuật Múa trong những năm qua tiếp tục được thể hiện tài năng. Bên cạnh đó, cuộc thi còn là dịp để các diễn viên múa giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ về kỹ thuật, kỹ xảo và nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng các tiêu chí của các cuộc thi múa khu vực và quốc tế.

leftcenterrightdel
Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các thí sinh dự thi. (Ảnh: Cục nghệ thuật biểu diễn)  

Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong rằng, thông qua cuộc thi, các nhà quản lý nghệ thuật, các cơ sở đào tạo đánh giá được thực trạng lực lượng nghệ sỹ biểu diễn bộ môn nghệ thuật Múa hiện nay, từ đó có những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ, góp phần xây dựng, định hướng bền vững đối với nghệ sỹ biểu diễn Múa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, có nhiều nghệ sỹ lớn và những tác phẩm lớn.

Ngay trong đêm mở màn tại khu vực phía Bắc, khán giả thành phố Hà Nội đã được thưởng thức những màn biểu diễn đặc sắc của các thí sinh với các phong cách múa Ballet.

Trước đó, cuộc thi đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 9 và 10/10 với các thí sinh đến từ Trường trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Giao hưởng - nhạc - vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn ca múa nhạc Bình Phước, Nhà hát Đam San - Gia Lai, Trường Năng khiếu nghệ thuật - thể dục thể thao Vĩnh Long và một số thí sinh tự do.

Năm nay, cuộc thi chia làm 4 bảng với 4 phong cách múa: Ballet cổ điển và Ballet hiện đại (Bảng A), Đương đại (Bảng B), Dân gian dân tộc, Dân tộc hiện đại và truyền thống (Bảng C); Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ múa có tính chất đường phố (Bảng D).

Thí sinh được sử dụng các tác phẩm đã công bố, không sử dụng tác phẩm đã biểu diễn và đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Tác phẩm cần có nội dung và thông điệp rõ ràng.

leftcenterrightdel
Thí sinh trình diễn tác phẩm dự thi. (Ảnh: Cục nghệ thuật biểu diễn) 

Để mở rộng đối tượng tham dự cuộc thi, ngoài những diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, cuộc thi năm nay đã có thêm sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, diễn viên múa đang công tác tại đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật toàn quốc, các thí sinh tự do có độ tuổi từ 16 (sinh năm 2004) trở lên cũng là đối tượng được dự thi năm nay.

Tiêu chí xét giải thưởng được đánh giá qua các yếu tố: Kỹ thuật, kỹ xảo điêu luyện; nghệ thuật diễn xuất sáng tạo; ngôn ngữ hình thể và cảm xúc của diễn viên; có sáng tạo riêng về hình thức thể hiện để bộc lộ tài năng. Ban Tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba và giải Khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc ở các bảng dự thi. Lễ Tổng kết và trao giải vào ngày 17/10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội./.

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực