Tôn giáo phát triển cần gắn với quản lý Nhà nước

Thứ bảy, 24/09/2022 11:11
(ĐCSVN)- Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự tham mưu chính xác và kịp thời của Sở Nội vụ, công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại Thái Nguyên vừa đảm bảo các quy định pháp luật, đồng thời tạo thuận lợi để các tôn giáo phát triển, tham gia tích cực vào quá trình phát triển tỉnh.
 Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Thái Nguyên lần thứ V, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Trong những năm qua, đồng bào các tôn giáo đã phát huy phương châm sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự chung sức chung lòng của đồng bào các tôn giáo cùng với việc thực hiện tốt các chính sách pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đã đem lại khởi sắc cho đời sống người dân nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng.

Bên cạnh đó, các tín đồ đã phát huy giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo để nhân lên cái tốt, đầy lùi cái xấu, xây dựng cuộc sống bình yên, giữ gìn an ninh trật tự, tích cực tham gia hoạt động từ thiện xã hội. Theo ghi nhận từ Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ Thái Nguyên, từ năm 2018 đến nay, các tôn giáo đã tặng hàng nghìn suất quà trị giá hơn 4 tỷ 350 triệu đồng cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, người khuyết tật; xây dựng 13 nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp với Bệnh viện Trưng Vương (thành phố Hồ Chí Minh) mổ mắt miễn phí cho 650 bệnh nhân nghèo; vận động cứu trợ, ủng hộ đồng bào lũ lụt các tỉnh miền Trung 3 tỷ đồng,…

Chia sẻ về hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) Thái Nguyên cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 3 tôn giáo đã được Nhà nước cấp phép hoạt động là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành, với 116 chức sắc, 1.709 chức việc, 133.853 tín đồ (Phật giáo: 96.400; Công giáo: 30.700; Tin lành: 6.753). Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy và chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của UBND tỉnh, sự tham mưu chính xác và kịp thời của Sở Nội vụ, công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại Thái Nguyên đang phát huy tốt hiệu quả, đồng thời tạo thuận lợi để các tôn giáo phát triển về tín đồ và cơ sở vật chất, tham gia tích cực vào quá trình phát triển tỉnh Thái Nguyên.

Ban Tôn giáo đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong các kế hoạch, chương trình, đề án, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các địa phương. Các năm gần đây, UBND tỉnh đều có Kế hoạch công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể và được các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật cũng được các cơ quan liên quan thực hiện thường xuyên tới các tôn giáo và cán bộ, đảng viên. Trong đó, chú trọng tới các nội dung về công tác tôn giáo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ; pháp luật về đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo;… Riêng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Ban Tôn giáo đã tham mưu, phối hợp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương cho gần một nghìn lượt người tham gia; phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tới cán bộ, công chức làm công tác này tại các cấp và chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong toàn tỉnh. 

 Lãnh đạo Ban Tôn giáo - Sở Nội Vụ Thái Nguyên (bên phải) thăm và chúc mừng chức sắc Công giáo. 

Trong những năm qua, Thái Nguyên không xảy ra điểm nóng về tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo không bị lợi dụng mà chỉ thuần túy tính tôn giáo. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, một trong những nhân tố góp phần vào thành công này là các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời nắm bắt các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tôn giáo và các tín đồ thông qua các buổi họp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và tổ chức, cá nhân tôn giáo;  qua giao lưu văn hóa, thể thao giữa các các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 144/195 cơ sở Phật giáo và 45/54 cơ sở Công giáo đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số công trình tôn giáo mới xây dựng hoặc đang trong quá trình xây dựng đã đem lại khởi sắc trong đời sống tôn giáo. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đang lấy ý kiến về việc quy hoạch đất dành cho tín ngưỡng, tôn giáo của các dự án: Khu du lịch sinh thái - văn hóa Đá Thiên (thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ); quy hoạch chung thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) và một số khu đô thị tại các địa phương. 

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, tỉnh đã thực hiện kiểm tra tại một số đơn vị cấp huyện; kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số trong quản lý; sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia../

Bài, ảnh: An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực