Tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa

Thứ tư, 12/01/2022 21:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sau 20 năm thực hiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa vô cùng cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL- Nguyễn Văn Hùng  phát biểu tại Hội nghị- hội thảo 

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị-Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa theo hình thức trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.

Báo cáo của Cục Di sản văn hóa đã khẳng định, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Sau 20 năm thực hiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa đang bộc lộ hạn chế về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa vô cùng cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL- Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. Quán triệt quan điểm đó, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, với phương châm hành động  “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã nghiêm túc xem xét và chọn chủ đề năm công tác là năm cơ chế chính sách. Gắn với đó là tiếp tục khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường để chuyển thành khát vọng hành động của toàn ngành. Từ nhận thức như vậy, Bộ đã tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách trong năm vừa qua.

 Hội nghị-Hội thảo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa

Theo đó, Bộ đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để xem xét các nội dung cần tổng kết, những vấn đề đang là điểm nghẽn để đề xuất sửa đổi, tạo động lực cho sự phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Bộ trưởng khẳng định,với những nỗ lực đổi mới, Bộ đang chuyển dần tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, bằng công cụ pháp luật. Trong tiến trình đó, những kết quả bước đầu đã đặt ra việc khẳng định lại hướng đi đúng, nhận thức đúng, cách làm thận trọng, từng bước.

Trên tinh thần này, Bộ xác định đây chính là thời điểm để rà soát Luật Di sản Văn hóa. Tại Hội nghị- Hội thảo, Bộ VHTTDL mong muốn lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, những chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa, nhằm tiếp thu các ý kiến để từ đó tổng hợp và xây dựng báo cáo tổng kết để đề xuất sửa đổi. “Đây là vấn đề lớn, hệ trọng”, Bộ trưởng khẳng định.

Với mục tiêu trình Quốc hội xem xét Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong năm 2022 hoặc 2023, Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải nhận thức đúng, đủ, sâu về các quan điểm của Đảng liên quan đến lĩnh vực này.

Bộ trưởng đặt vấn đề, phải lý giải được vì sao bạn bè quốc tế đến với Việt Nam. Phải chăng đó là từ sức mạnh mềm của văn hóa như Tổng Bí thư đã nhiều lần phát biểu? Theo hướng tiếp cận này, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu đưa ra những dự báo có tầm nhìn, trên cơ sở phát hiện những bất cập.

 Hội nghi- hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia nhà văn hóa

Bộ trưởng cũng trăn trở, phải chăng nguồn lực đang là một lực cản đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. “Chúng ta có di tích, di sản, có phân cấp nhưng nguồn lực để bảo vệ thì nhiều khi lại chờ đợi ngân sách nhà nước, điều này có còn đúng không? Giải pháp nào để tháo gỡ? Đâu là nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đâu là nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực nhân dân?...”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Bên cạnh nguồn lực, Bộ trưởng cho rằng một trong những điểm nghẽn đó chính là phân cấp quản lý. Bài toán đặt ra hiện nay là phân cấp như thế nào cho phù hợp, theo tinh thần chuyển hướng từ cơ quan đi làm văn hóa sang làm quản lý nhà nước về văn hóa.

“Bên cạnh đó, có những việc thực tiễn đặt ra mà khi làm luật chúng ta chưa nghĩ đến, như quy định pháp lý đối với di sản tư liệu. Vậy phải làm sao để quản lý vấn đề này, trong thực tiễn đã có nhiều di sản tư liệu được ghi danh…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, bất kỳ bộ luật nào ra đời cũng phải tương thích với bộ luật khác, phải là véc tơ cùng chiều để nhân lên sức mạnh.Vì vậy, phải đặt mối quan hệ giữa Luật Di sản Văn hóa với nhiều bộ luật khác.

Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về tiếp tục khẳng định văn hóa là hồn cốt của dân tộc; văn hóa của Việt Nam được tỏa sáng từ các giá trị của di sản vật thể và phi vật thể, trách nhiệm của chúng ta là phải phát huy giá trị đó trở thành sức mạnh mềm để thu hút, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra cộng đồng thế giới..., Bộ trưởng nhấn mạnh, những chỉ đạo đó, căn dặn đó của Tổng Bí thư là mệnh lệnh, yêu cầu toàn ngành phải làm sao để tổng kết một bộ luật  thực sự có chiều sâu, đề xuất luật mới có tư duy dài hạn, với cách nhìn, tiếp cận mới.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đã tham luận, đóng góp ý kiến từ góc độ thực tiễn và tiếp cận khoa học chuyên sâu, để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL  có quyết định trao Bằng khen cho 24 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016-2020. 

Tin, ảnh: HP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực