Triển lãm “Đất nước trọn niềm vui”

Thứ năm, 29/04/2021 17:46
(ĐCSVN) - Triển lãm “Đất nước trọn niềm vui” nhằm ôn lại sự kiện trọng đại của dân tộc, giới thiệu những khoảnh khắc của người dân Thủ đô, người dân Sài Gòn hòa chung trong niềm vui chiến thắng, thống nhất đất nước.

Ngày 29/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm “Đất nước trọn niềm vui” kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021). Triển lãm nhằm ôn lại sự kiện trọng đại của dân tộc, giới thiệu những khoảnh khắc của người dân Thủ đô, người dân Sài Gòn hòa chung trong niềm vui chiến thắng, thống nhất đất nước.

Với gần 100 tài liệu hình ảnh, triển lãm được chia làm 3 chủ đề: Thời khắc lịch sử; Hà Nội ngày 30/4/1975; Sài Gòn ngày 30/4/1975.

 Hình ảnh chiến sĩ Quân giải phóng được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Chụp lại tại triển lãm).

Vào thời khắc lịch sử thiêng liêng, ngày 30/4/1975, tại Tổng Hành dinh (Nhà D67), nơi các đồng chí Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang căng thẳng theo dõi diễn biến chiến dịch, vừa chỉ đạo vừa lo lắng chờ đợi, cuối cùng nhận được tin chiến thắng từ Sài Gòn điện về trong cảm giác phấn khởi, lâng lâng, đầy vui sướng, tự hào trào dâng nước mắt và trong giây phút đó ai cũng nghẹn ngào nỗi nhớ Bác với ước mơ nước nhà độc lập, thống nhất nay đã thành sự thật.

Hòa chung niềm vui với Sài Gòn giải phóng, Thủ đô Hà Nội cũng vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nghe thông báo chiến thắng được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Người dân từ khắp mọi nẻo đường tuần hành tập trung tại Bờ Hồ, Quảng trường Ba Đình trong sắc đỏ của cờ và hoa với ánh mắt tươi rói, nụ cười rạng rỡ hòa trong niềm xúc động đất nước thống nhất.

Triển lãm giới thiệu những hình ảnh tư liệu về những khoảnh khắc các chiến sĩ giải phóng quân tiến về giải phóng Sài Gòn, sự vỡ òa trong niềm vui của nhân dân Sài Gòn, Thủ đô Hà Nội. Điểm nhấn của triển lãm “Đất nước trọn niềm vui” đi sâu vào khai thác những câu chuyện, hồi ức của các nhân chứng lịch sử, và lấy chính những ngôn ngữ đầy tính cảm xúc đó làm sáng rõ cho những bức ảnh tư liệu. Họ là những người đã từng sống, từng trải qua những năm tháng chiến đấu cho công cuộc thống nhất nước nhà, để rồi vỡ òa trong thời khắc lịch sử khi Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất. Đối với mỗi nhân chứng của thời điểm ngày 30/4/1975 đều lưu giữ những ký ức, kỷ niệm riêng về một thời khắc lịch sử, trọng đại của đất nước. Việc khai thác những ký ức từ các nhân chứng là một cách thức tái hiện lịch sử, mang những giá trị về mặt cảm xúc và thông tin giá trị đối với thế hệ hiện nay. 

Đến với triển lãm, người xem còn được nghe lại câu chuyện của nghệ sĩ Kim Cúc - phát thanh viên đọc tin chiến thắng trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 30-4-1975; diễn viên Như Quỳnh - khi đó là nghệ sĩ tham gia mít tinh mừng ngày chiến thắng. Đặc biệt là câu chuyện về nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trùng hợp vào thời khắc Sài Gòn được giải phóng…

Bên cạnh đó còn đó những câu chuyện của những chiến sĩ giải phóng quân khi tiến về tiếp quản Sài Gòn; mà đặc biệt hơn là câu chuyện của những người vợ ở hậu phương, mong mỏi đợi chờ tin chiến thắng, đợi chờ tin báo bình yên của chồng đang chiến đấu trên chiến trường…

Triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh, hồi ức của nhân chứng là những cựu chiến binh tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam và cảm xúc của họ, niềm vui, sự hân hoan khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

Triển lãm mở cửa phục vụ du khách từ ngày 29/4 đến hết tháng 5/2021, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Triển lãm đồng thời giới thiệu phiên bản trực tuyến trên website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.com./.

HT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực