Tưng bừng lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ

Chủ nhật, 21/02/2010 10:05

(ĐCSVN) - Ngày 20 -2 (tức mùng 7 Tết Canh Dần), xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Đây là lễ hội nằm trong các chương trình du lịch hướng về cội nguồn do 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai tổ chức hàng năm.

Về dự khai hội có các đồng chí: Tòng Thị Phóng - Bí thư TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa XHCN Việt Nam; Ngô Đức Vượng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đông đảo nhân dân trong cả nước.

Theo tục lệ ngày lễ chính đền Âu Cơ là ngày "tiên giáng" mồng 7 tháng giêng. Ngay từ sáng sớm ban tổ chức đã tổ chức đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng (Hùng Trấn Quý Minh) từ đình làng về đền. Trong không khí trang nghiêm, Chủ tế, Chủ tịc UBND huyện Hạ Hòa Nguyễn Văn Hưng đọc văn tế Vương Mẫu Âu Cơ, trong đó ca ngợi công lao to lớn của mẹ Âu Cơ người có công sinh thành 100 người con, cội nguồn của dân tộc Việt Nam và cầu cho quốc thái dân an... tiếp đó đội tế nữ gồm 12 thiếu nữ đẹp nhất vùng được lựa chọn đã thực hiện nghi lễ tế nữ - đây là phần nghi lễ thu hút sự chú ý nhất trong phần lễ. Sau phần tế nữ các đồng chí lãnh đạo của TƯ, tỉnh, huyện Hạ Hòa, xã Hiền Lương làm lễ dâng hương mẹ Âu Cơ với lễ vật gồm 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả... Tiếp đó, hàng nghìn đồng bào ở khắp mọi miền tổ quốc đã làm lễ dâng hương tri ân công đức Mẫu Âu Cơ.

Lễ hội kéo dài trong ba ngày, những ngày diễn ra lễ hội, hàng loạt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò vui chơi giải trí dân gian được tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyên Hạ Hoà) được xây dựng thời hậu Lê. Tục truyền, Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ và sinh được bọc trăm trứng nở thành một trăm người con trai. Khi các con lớn lên, Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên non khai hoang phục hóa, khai sáng rừng vàng. Cha Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển, rửa mặn thau chua mở nguồn biển bạc. Người con cả được tôn lên làm vua kế nghiệp cha đặt đô ở Phong Châu, lấy trên nước là Văn Lang, bắt đầu cho một kỷ nguyên mới Lạc Việt.

 
Mẹ Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Trên con đường muôn dặm, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào bèn cho khai hoang lập ấp... Khi trang ấp ổn định, Người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới. Đến khi giang sơn thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Mẹ lại trở về Hiền Lương - nơi Người dừng chân để gắn bó cuộc đời mình. Đến ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Từ đó trở đi, hàng năm, cứ vào ngày mồng 7 Tết - ngày mẹ giáng trần, nhân dân Hiền Lương và các vùng lân cận lại mở hội tưởng nhớ đến Mẹ Âu Cơ; dâng lên tiên Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn, để lòng lắng đọng suy nghĩ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mở rộng lòng nhân ái cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là nguồn sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm bảo vệ giang sơn của tổ tiên để lại, xây dựng đất nước ngày càng giầu đẹp, người người ấm no, hạnh phúc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực