Chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên” được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào 20h ngày 31/10

Thứ sáu, 29/10/2021 03:11
(ĐCSVN) - Bên cạnh sự khốc liệt của dịch bệnh, những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu, chương trình sẽ tôn vinh những hy sinh, những sáng kiến, sáng tạo, ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong cuộc chiến giành giật sự sống của người dân, những cán bộ công đoàn ngày đêm căng mình chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên người lao động.

Chiều 28/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên”, kết quả Cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu”, “Thời khắc khó quên” và công tác chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Theo đó, nhằm khẳng định nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tôn vinh các lực lượng tuyến đầu, cán bộ công đoàn tham gia chống dịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên”. 

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên”

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, đây là sự kiện truyền thông quốc gia khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên và lực lượng nhân viên y tế trong phòng chống dịch bệnh; lan tỏa thông điệp động viên, khích lệ nhân dân cả nước tiếp tục đoàn kết, vượt khó, chiến thắng dịch bệnh, phục hồi sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội. 

"Trong đợt dịch lần thứ 4, rất nhiều cán bộ Công đoàn đã lăn lộn cùng công nhân lao động. Đa phần công nhân lao động tại các khu công nghiệp – chế xuất đều là lao động di cư nên gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh ập đến cũng như trong quá trình thực hiện giãn cách. Bên cạnh lực lượng y bác sỹ, tình nguyện viên tuyến đầu thì các cán bộ Công đoàn cũng đã góp sức không nhỏ.

Chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên” bên cạnh khắc họa sự khốc liệt của dịch bệnh, những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu sẽ tôn vinh những hy sinh, những sáng kiến, sáng tạo, ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong cuộc chiến giành giật sự sống của người dân, những cán bộ công đoàn ngày đêm căng mình chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên người lao động; khẳng định vai trò đồng hành của Công đoàn đối với doanh nghiệp, Chính phủ và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 20h ngày Chủ nhật (31/10).

*Liên quan đến Cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu” và video clip “Thời khắc khó quên”, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Vũ Thị Giáng Hương thông tin, để động viên, khích lệ tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, nhường cơm, sẻ áo, góp công, góp sức, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, thực hiện mục tiêu “kép” của Đảng, Chính phủ, Tổng LĐ phát động 2 cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu” và “Thời khắc khó quên”. 

Cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Sau 40 ngày triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 1.296 tác phẩm ca khúc (bản nhạc) và các bản ghi âm thanh bài hát của 935 tác giả và đồng tác giả gửi tham dự. Hội đồng Giám khảo gồm các nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi, có uy tín đã chấm và chọn được 195 tác phẩm vào vòng II và 54 tác phẩm vào vòng chung khảo.

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, các tác phẩm gửi dự thi đa dạng về chủ đề, thể loại, phong cách và chất liệu âm nhạc. Phần lớn đã khai thác đúng chủ đề, âm hưởng chủ đạo là ngợi ca, ghi nhận sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng trên tuyến đầu, san sẻ những khó khăn, vất vả, mất mát của người dân vùng dịch. Từ đó thắp sáng niềm tin, động viên mọi tầng lớp nhân dân đồng lòng chung sức vào công cuộc phòng, chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.

Kết quả, Ban Tổ chức xét trao 03 giải Nhì (không có giải Nhất), 06 giải Ba, 12 giải Khuyến khích và 05 giải chuyên đề. Các tác phẩm xuất sắc được lựa chọn trình diễn tại chương trình “Việt Nam - Khát vọng bình yên”. 

Đặc biệt, có tác giả đoạt giải cao của Cuộc thi đã ủng hộ toàn bộ số tiền thưởng 50 triệu đồng cho các cháu mồ côi là con công nhân lao động mất do COVID-19. 

Cuộc thi “Thời khắc khó quên” do Tổng Liên đoàn chỉ đạo Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp tổ chức. Sau 1 tháng triển khai, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 45.304 clip tham gia. Trên Tik Tok, có 253.180.768 lượt xem video clip; 13.500.536 lượt thích; 553.167 bình luận; 344.403 lượt chia sẻ. Tại minisite “Thời khắc khó quên” trên Tạp chí điện tử Cuộc sống an toan (cuocsongantoan.vn) có 4.110 người tham gia dự thi trong đó có 1.411 bài dự thi hợp lệ và được đăng tải trên trang “Thời khắc khó quên” của Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn.

Kết quả cuộc thi có 16 tác phẩm đoạt giải cá nhân bao gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 10 giải Khuyến khích; 05 giải tập thể được trao cho đơn vị có số lượng người tham gia dự thi nhiều: Công đoàn ngành Giáo dục, LĐLĐ TP Hà Nội, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, Công đoàn Y tế, LĐLĐ TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Công đoàn ngành Y tế trao 29 giải chuyên đề cho các tác phẩm về ngành y tế bao gồm: 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 05 giải Ba, 20 giải Khuyến khích.

Cũng tại cuộc họp báo, Trưởng ban Quan hệ lao động Trần Thị Thanh Hà thông tin một số kết quả chăm lo công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, đến ngày 25/10 làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến 85.794 công nhân, viên chức, lao động nhiễm bệnh (chiếm 9,70% tổng số ca cả nước), trong đó có 439 ca tử vong.

Có 20.416 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, dừng hoạt động hoặc phải thu hẹp sản xuất hay giải thể; trên 2,2 triệu lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.

Có 15.759 đơn vị, doanh nghiệp với gần 1,5 triệu người lao động thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”. Có 9.344 doanh nghiệp thành lập 48.061 Tổ an toàn COVID-19.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 25/10, công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, theo số liệu báo cáo của 34 LĐLĐ tỉnh, thành phố: có trên 3,15 triệu lao động được hỗ trợ 5.292 tỷ đồng; 187.733 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số tiền 1.752 tỷ đồng. 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực