Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia, vì sự phát triển bền vững

Thứ hai, 19/09/2022 22:36
(ĐCSVN)- Ngày 19/9/2022, tại Hà Nội, Viện VHNT quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Báo cáo kết quả dự án triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO tại Việt Nam và TP. Huế”.
 Hội thảo "Báo cáo kết quả dự án triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO tại Việt Nam và TP. Huế”(Ảnh: Xuân Trường)

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, từ đó hướng đến xây dựng Bộ chỉ số về văn hóa quốc gia, vì sự phát triển bền vững. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho biết, từ thời điểm hội thảo khởi động dự án được tổ chức vào tháng 11/2021 cho đến nay là khoảng thời gian của những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của nhóm triển khai dự án ở cả cấp quốc gia và tại TP. Huế, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của rất nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 của UNESCO là một khung chỉ số chuyên đề nhằm đo lường và giám sát tiến độ đóng góp của văn hóa trong việc triển khai các mục tiêu thuộc Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự Phát triển bền vững tại cấp quốc gia và các địa phương.

“Với 22 chỉ số được chia thành 4 nhóm bao quát các phương diện quan trọng nhất của phát triển bền vững, từ môi trường đến kinh tế và xã hội, Bộ chỉ số Văn hóa|2030 giúp đánh giá vai trò của văn hóa, vừa như một lĩnh vực độc lập và vừa như một thành tố xuyên suốt trong các lĩnh vực khác. Việc triển khai dự án được thực hiện theo các phương pháp và nguyên tắc mà UNESCO đề ra, đặc biệt là việc đảm bảo sự liên kết các nguồn dữ liệu do các cơ quan, đơn vị khác nhau nắm giữ...”, bà Phương nêu.

Để đảm bảo nguyên tắc này, nhóm triển khai dự án của Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thu thập và xử lý các dữ liệu định lượng, định tính cần thiết cho 22 chỉ số, gồm: đầu tư cho di sản, quản lý di sản bền vững, thích nghi và ứng phó với biến đổi khi hậu, thiết chế văn hóa, đóng góp của văn hóa vào GDP, việc làm trong lĩnh vực văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa, chi tiêu của hộ gia đình cho văn hóa, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ văn hóa, đầu tư công cho văn hóa, quản trị văn hóa, giáo dục văn hóa-nghệ thuật, giáo dục vì phát triển bền vững, giáo dục đa ngôn ngữ, đào tạo văn hóa, văn hóa vì sự gắn kết xã hội, tự do nghệ thuật, tiếp cận văn hóa, tham gia văn hóa và các quá trình tham gia.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho biết, với nguyên tắc và phương pháp xuyên suốt của Bộ chỉ số Văn hóa /2030, các kết quả của dự án có được là nhờ sự đóng góp, chia sẻ về tri thức và chuyên môn của rất nhiều tổ chức, cơ quan, và cá nhân các chuyên gia thống kê, chuyên gia văn hóa.Những phản hồi quý báu sẽ giúp nâng cao chất lượng của các sản phẩm dự án, từ đó giúp Việt Nam có thể đóng góp hiệu quả hơn vào bức tranh chung về hiện trạng văn hóa toàn cầu được trình bày trong báo cáo toàn cầu của dự án Chỉ số Văn hóa 2030 sẽ được công bố tại Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa và Phát triển Bền vững của UNESCO (Mondiucult 2022) diễn ra vào ngày 28 và 29/9 tại Mexico.

Dự thảo báo cáo quốc gia từ kết quả dự án cho biết, việc triển khai Bộ Chỉ số Văn hóa 2030 là cơ hội cho Việt Nam có được những hiểu biết thiết thực, nhằm củng cố sự gắn kết  giữa văn hóa và phát triển bền vững. Nhiều kết quả quan trọng từ triển khai dự án được báo cáo, theo đó khẳng định, di sản văn hóa đã và đang là một trong những trọng tâm của chính  sách văn hóa ở Việt Nam. Đầu tư cho di sản là trách nhiệm chung của cả Trung ương và địa phương. Vai trò của cộng đồng như là những nhân tố tích cực định hình chính sách văn hóa và các biện pháp quản trị đã được cải thiện rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực di sản văn hóa....

Dự thảo Báo cáo cũng cho biết những kết quả  nghiên cứu quan trọng khác như mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản; cơ sở hạ tầng văn hóa; số người làm việc trong các ngành văn hóa; xuất khẩu văn hóa của Việt Nam tạo ra những giá trị kinh tế quan trọng; đầu tư cho văn hóa; hệ thống chính sách văn hóa...

HP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực