|
Thuần phong, mỹ tục chính là di sản văn hóa của mỗi gia đình Việt Nam vẫn được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ, các thời kỳ lịch sử. |
Trong bài phát biểu tại Hội Nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Con người Việt Nam trong thời kỳ mới có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữ giá trị truyền thống với giá trị hiện đại..., được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với các giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, hướng tới xây dựng gia đình là tế bào lành mạnh, vững chắc và làm các giá trị nền tảng cho phát triển xã hội.
Thuần phong, mỹ tục chính là di sản văn hóa của mỗi gia đình Việt Nam vẫn được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ, các thời kỳ lịch sử. Sự hòa thuận trong gia đình được đảm bảo bởi sự bao bọc, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn tạo nên cảm giác ấm cúng, an toàn và tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Điều này đã tạo nên một bản sắc rất riêng của gia đình Việt Nam. Với những đặc trưng của văn hóa phương Đông, văn hóa gia đình Việt Nam luôn đề cao thái độ tôn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; đoàn kết, hòa thuận. Mỗi thành viên trong gia đình luôn coi trọng các giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ. Ngôi nhà tượng trưng cho tổ ấm, là chốn đi về, là điểm tựa và cũng là nơi tụ họp của cả gia đình, dòng họ vào các dịp giỗ, tết. Ý thức đoàn kết, hòa thuận được nuôi dưỡng trở thành tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc gắn chặt với những bước thăng trầm của lịch sử gia đình, dòng họ và đất nước. Từ sự cố kết của gia đình, gắn liền với tính cố kết của làng xã, dân tộc, tạo nên sự kết nối vững chắc giữa gia đình với cộng đồng, tộc người và quốc gia….
Từ xa xưa, nếp nhà của người Việt Nam là một trong những biểu trưng cho các giá trị truyền thống của gia đình, trong đó bao hàm những giá trị về đạo đức, chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp hay nghi lễ tín ngưỡng luôn được trao truyền, gìn giữ cho đến ngày nay. Mỗi loại hình gia đình Việt Nam có những chuẩn mực, quy tắc, phương thức giáo dục riêng nhưng có một số đặc điểm chung, đó là gìn giữ gia phong, nề nếp sinh hoạt, phương thức ứng xử giao tiếp trong gia đình. Ở mỗi địa phương, mỗi tộc người và thậm chí ở mỗi gia đình có những chuẩn mực, quy tắc, phương thức riêng theo hình mẫu gia phong nhất định với những chuẩn mực ứng xử và cách thức giáo dục riêng thông qua cách thức tổ chức gia đình. Trong các giai đoạn lịch sử thời kỳ phong kiến đến hiện nay, gia đình Việt Nam mặc dù có những ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo nhưng vẫn giữ được nét riêng của văn hóa gia đình Việt Nam. Các loại hình gia đình cũng có những thay đổi theo từng thời kỳ và hình thành nhiều loại hình gia đình như gia đình thuần nông, gia đình làm nghề thủ công, gia đình công nhân, gia đình trí thức, gia đình công giáo, gia đình phật giáo,...
Nhiều quy tắc, nề nếp gia đình đã được truyền tụng qua nhiều đời, khuyên răn giáo dục các thành viên trong gia đình thể hiện trong kho tàng ca dao, tục ngữ như những lời răn dạy về cách ăn ở, giao tiếp trong gia đình, gia tộc; răn dạy về đạo đức, ý thức học hỏi; sự thủy chung, nghĩa tình hay tu thân lập nghiệp như: Hiếu trọng, tình thâm; kính lão, đắc thọ; thờ cha, kính mẹ, học ăn, học nói...răn dạy những người trong gia đình, nhằm hạn chế rơi vào tình cảnh “xấu trong làng nước, để cười mai sau”... Các điều răn dạy đạo lý sống lương thiện, có đạo đức, biết cư xử đúng mực, khiêm tốn, ham học hỏi luôn được ông bà, cha mẹ dạy dỗ, rèn dạy con cháu qua các hoạt động sinh hoạt thường ngày, hướng dẫn và truyền dạy đức tính yêu lao động, tự lập, nhân sinh quan yêu quê hương, đất nước.
Các giá trị chân, thiện, mỹ luôn được hình thành và bồi đắp từ chính cái nôi là gia đình với mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, về giá trị của tình yêu thương, sự hiếu thuận, hòa hợp với những đức tính cần cù, sáng tạo, dựa trên nền tảng của tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, nhường nhịn và bảo ban giữa các lớp thế hệ, giữa các thành viên trong gia đình. Những giá trị đó được nhân lên, bảo vệ và gìn giữ qua thời gian, là những giá trị văn hóa kết nối trong gia đình tạo nên biểu tượng với truyền thống ham học hỏi, trọng danh dự và trọng đạo lý, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người trong quá trình khôn lớn và trưởng thành.
Chính cách ứng xử trong gia đình đã góp phần định hình nhân cách của con người hướng thiện, có tinh thần đoàn kết, gắn bó và giảm bớt những lợi ích cá nhân để chung tay xây dựng gia đình. Các giá trị truyền thống về mối quan hệ tình cảm, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình luôn được củng cố và gìn giữ theo thời gian. Các mối quan hệ luôn coi trọng “chị ngã, em nâng”; “sảy cha còn chú, sây mẹ bù dì”, “trong ấm, ngoài êm”, “thuận vợ, thuận chồng”... luôn coi trọng tình thân ruột thịt, nguồn gốc tổ tiên để rèn luyện bản thân, trau dồi nhân cách trở thành người con tốt trong gia đình và xã hội.
|
Gia đình cũng chính là thành trì quan trọng chống lại những thói hư tật xấu, bồi đắp và nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp cho mỗi con người. |
Thế nhưng, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, gia đình truyền thống Việt Nam đang có nhiều biến chuyển. Cuộc sống hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không dành thời gian đúng mức cho gia đình. Cũng vì thế, trong gia đình, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Việc tìm tiếng nói chung cũng ngày càng khó khăn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn.
Không chỉ có vậy, dưới tác động của những mặt trái thời kỳ hội nhập, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình ngày một gia tăng. Trong xã hội hiện đại, các biểu hiện tiêu cực trong gia đình cũng vì thế mà ngày càng nhiều, đặc biệt là bạo lực gia đình đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều năm qua, tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực thành thị. Những câu chuyện về mâu thuẫn vợ chồng; con cái ngược đãi cha mẹ; bố mẹ xâm hại, đánh đập con cái hay anh, em ruột thịt chém, giết lẫn nhau…. không còn hiếm trên các mặt báo. Ðiều đáng nói, bạo lực gia đình hiện nay có nhiều biến đổi về hình thức và mức độ nghiêm trọng hơn.
Gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của mỗi con người. Gia đình là “tế bào” của xã hội. Sự phát triển, lớn mạnh của mỗi một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào thành trì kiên cố là mỗi một gia đình. Để xây dựng và tạo nền tảng vững mạnh phát triển đất nước đòi hỏi mỗi cá nhân, gia đình và các tổ chức phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, xây dựng cho mình những thói quen và lối sống chuẩn mực tốt đẹp. “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”./.