Chùa Khmer tọa lạc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), sau hơn 3 năm xây dựng. Chùa Khmer khánh thành ngày 23/11/2013, được xây dựng trên khu đất rộng gần 0.8ha theo nguyên mẫu của ngôi chùa K’Leang ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454 của cả nước, một công trình kiến trúc phật giáo tiêu biểu của người Khmer tại Hà Nội.
Quần thể chùa Khmer gồm chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, sa la, cột cờ và ao sen. Mỗi công trình nằm ở một độ cao khác nhau và liên thông với nhau qua một hệ hành lang lát đá. Các công trình được lợp bằng ngói vẩy cá và trang trí bằng các chi tiết hoa lá, các vị thần mang đậm tín ngưỡng của người Khmer.
Phía sau Chính điện, bên phải là chùa nhỏ (sala) và nhà ghe ngo ở bên trái, tất cả đều được bố trí theo phong cách kiến trúc Khmer truyền thống, đặc biệt là ngôi Chính điện. Đây là nơi phản ánh đầy đủ nhất tài năng và nghệ thuật xây dựng của những nghệ nhân người Khmer Nam Bộ với những quy tắc kiến trúc “bất di, bất dịch” từ xưa đến nay.
Chùa Khmer được nhiều du khách nhìn nhận là một chỉnh thể nghệ thuật tổng hòa các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, hội họa, hoa văn trang trí được bố trí, sắp đặt một cách hài hòa, tinh tế, thể hiện trí tuệ sáng tạo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Nét nổi bật ở chùa là nghệ thuật trang trí đậm tính dân tộc Khmer thể hiện đậm nét qua các tác phẩm điêu khắc đầy tinh tế, trong số nhiều tác phẩm nghệ thuật ở chùa có hệ thống tượng, phù điêu trang trí từ những bức tường bao cho đến chính điện.
|
Công trình chùa Khmer tại Hà Nội. |
Các công trình phụ trợ, đều có những bức phù điêu trang trí đắp nổi, thể hiện các hình tượng tiên nữ xinh đẹp, chim thần Krud nâng đỡ mái chùa, chằn Yeak hung dữ, đầu thần Bayon bốn mặt... theo văn hóa tín ngưỡng của người Khmer. Tại các dãy hành lang có thiết kế thoáng mát, được trang trí các hình tượng những thế lực tà ác đã bị đức Phật quy phục.
Bất cứ riềm tường, cột, khuôn cửa nóc mái cho đến một bộ phận kiến trúc nào đều được các nghệ nhân Khmer sử dụng các bức điêu khắc từ đơn giản đến phức tạp, tinh tế như một nét đặc thù tài hoa của nền mỹ thuật Khmer cổ điển.
Bên trong chính điện, trên nóc trần và bốn bức tường chính đều được vẽ các bức tranh kể về cuộc đời của đức Phật từ lúc sinh ra đến khi Niết Bàn như “Lễ hạ điền”, “Tì kheo Ni”, “Vích-sen-đo”…. Các bức tranh đều phản ánh với những giá trị nhân văn cao đẹp và tính triết lý sâu sắc, nhưng gần gũi với cuộc sống.
Nơi cao nhất và tôn nghiêm nhất trong chính điện là nơi đặt tượng Phật. Nghệ thuật điêu khắc trong điện còn thể hiện ở các loại khác nhau như tượng đầu thần Mahaprum, Kayno, Krud… mỗi hình tượng thể hiện đậm tính dân tộc Khmer.
Trong đời sống văn hóa của người Khmer, hầu như mọi sinh hoạt của đồng bào đều diễn ra tại chùa, từ việc học, tu tập đến sinh hoạt cộng đồng, địa điểm tổ chức các lễ hội truyền thống. Chùa Khmer là một biểu tượng văn hóa ẩn chứa và phô diễn những giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa Khmer.
Hiện nay công trình kiến trúc này là nơi đồng bào Khmer tới Thủ đô giới thiệu với cộng đồng các dân tộc anh em những giá trị đặc sắc trong nền văn hóa truyền thống của người Khmer.