Lễ Khai hạ - Cầu an tại lăng Lê Văn Duyệt là di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Thứ sáu, 26/08/2022 13:58
(ĐCSVN) – Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nhân Lễ giỗ lần thứ 190 vị quan này (1832-2022).

Ngày 25/8, UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) tổ chức lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lê Văn Duyệt (1763-1832) là một nhà chính trị, quân sự, tham gia phò tá Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với quân Tây Sơn. Khi chiến tranh kết thúc, ông là vị quan cấp cao của nhà Nguyễn, được giao làm Tổng trấn Gia Định Thành (cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang).

Lễ Khai hạ - Cầu an tại lăng Lê Văn Duyệt là di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia 

(Ảnh: tuoitre.vn)

Theo sử sách, khi còn giữ chức Tổng trấn thành Gia Định, dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Ông cũng được ghi nhận là người đã có công trong sự nghiệp mở mang, phát triển vùng đất phía Nam của tổ quốc, đặc biệt là vùng Sài Gòn - Gia Định.

Đương thời, Tả quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng đã thực hiện nghi lễ Hạ nêu để cầu mưa thuận gió hòa theo nghi thức tế, lễ cung đình triều Nguyễn. Ngày nay, Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân được tổ chức vào mùng 7 Tết Âm lịch hàng năm. Lễ hội được chia thành nhiều phần gồm hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Đây được coi là điểm nhấn sinh hoạt văn hoá của người Nam Bộ và TP.HCM cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi.

Cùng với lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ) và Tết Nguyên Tiêu (quận 5), Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là lễ hội truyền thống thứ ba tại TP.HCM được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Khai hạ - Cầu an là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ và TP.HCM để cầu mong cho mưa thuận gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông; thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước. Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội sống động, tinh tế, sâu sắc. Điều này được lý giải là bởi tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức đạo lý làm người, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt.

Lễ hội là một di sản văn hóa quan trọng của vùng đất Gia Định – Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay.

NK

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực