|
Hội nghị đã tuyên dương 250 Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS - (Nguồnảnh: baodantoc.vn) |
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 250 đại biểu là Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của Người có uy tín trong đồng bào DTTS; Người có uy tín chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với mỗi người dân.
“Vị thế, vị trí của Người có uy tín đã phát huy hiệu quả. Những đóng góp của Người có uy tín là rất to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ an ninh quốc phòng vùng biên giới và là nhân tố quan trọng trong thực hiện khối Đại đoàn kết dân tộc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Bùi Đình Long cũng bày tỏ: Người có uy tín tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, tích cực vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia cùng cấp ủy vận động đồng bào thực hiện các chương trình MTQG, xây dựng củng cố chính quyền cơ sở, nêu cao tinh thần cảnh giác với các luận điệu xuyên tác, thù địch...
|
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn ảnh: baodantoc.vn) |
Theo báo cáo tại Hội nghị, những năm qua, các chế độ chính sách đã được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ngoài kinh phí Trung ương cấp, tỉnh đã bố trí tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với Người có uy tín năm 2022 là 6,1 tỷ đồng; trong đó chính sách do huyện, thị xã chủ trì thực hiện là 2,55 tỷ đồng; Ban Dân tộc chủ trì thực hiện là 3,545 tỷ đồng. Chính sách dành cho Người có uy tín được thể hiện qua việc cấp phát báo, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế - xã hội ở trong và ngoài tỉnh, thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết các DTTS, thăm hỏi lúc ốm đau, hoạn nạn...
Tính đến cuối năm 2022, bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi của tỉnh giảm 3 - 4%/năm (riêng các huyện 30a, những năm gần đây giảm bình quân 6%/năm). Diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi có những thay đổi căn bản. Đến năm 2022, toàn vùng có 37 xã/125 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt Chuẩn Nông thôn mới. Hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình DTTS đạt chuẩn văn hóa là 80,7%; tỷ lệ làng, bản, khối, xóm đạt chuẩn văn hóa là 55,2%; tỷ lệ xã phường, thị trấn vùng DTTS có thiết chế văn hóa, thông tin - thể thao đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 34,26%.
Vai trò của Người có uy tín thể hiện rõ trong việc góp phần củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2022, 100% thôn, bản trên địa bàn có Ban Công tác Mặt trận và Chi hội Phụ nữ, 99,5% có Chi Đoàn thanh niên, 99,3% có Chi hội Nông dân, 95,5% có Chi hội Cựu chiến binh. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên tăng khá, cựu chiến binh đạt 92,7%, nông dân 87%, Đoàn thanh niên 89%, Hội LHPN 98%, công đoàn 94%.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Vi Văn Sơn mong muốn cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm hơn nữa đến công tác dân tộc, chính sách cho Người có uy tín... Tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện cho Người có uy tín tham gia các hoạt động ở địa phương về thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở...
Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao quà cho 250 đại biểu là Người có uy tín tiêu biểu năm 2022.