Từng sản phẩm gốm ở vùng Bảy Núi này đã gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây. Làng gốm truyền thống Phnôm Pi “nghề mẹ truyền nghề con” qua nhiều thế hệ, đến nay đã được khoảng trăm năm tuổi. Điểm đặc biệt ở làng gốm này là tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công.
|
Cà ràng - một sản phẩm gốm đặc trưng của người Khmer. ( Ảnh:Thanhnien) |
Trước kia, khi các sản phẩm gốm làng Phnôm Pi còn được ưa chuộng thì cả làng có đến trăm bếp đỏ rực lửa quanh năm hối hả sản xuất. Giờ chỉ còn khoảng 10 dân hộ duy trì nghề gốm này. Sự riêng biệt của làng gốm nơi đây là mang đậm nét đẹp truyền thống, tập tục sinh sống của người Khmer qua từng sản phẩm.
Các sản phẩm gốm nổi bật của đồng bào Khmer là: Cà ràng ( bếp), cà om (nồi), lò than, khuôn bánh khọt… Tất cả đều được làm thủ công, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian. Do đó, sản phẩm làm ra có độ bền cao, được người Việt và người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long ưa dùng.
|
Cà ràng sau khi tạo hình xong sẽ được đem đi phơi nắng. (Ảnh:Thanhnien) |
Những công đoạn nhào, nặn, tạo hình… để ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh luôn cần đến sự khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Khmer. Đối với họ làm ra những sản phẩm gốm không chỉ mưu sinh mà còn đề giữ gìn nghề truyền thống tổ tiên, ông cha đã để lại.
Dù được làm hoàn toàn bằng tay nhưng những sản phẩm gốm ở làng Phnôm Pi không hề đơn điệu. Chúng có tạo hình độc đáo theo tập tục sinh hoạt của người Khmer, lại có những họa tiết được khéo léo tạo nên từ đôi tay người thợ.
|
Những họa tiết được làm thủ công, tỉ mỉ. ( Ảnh:Dantri) |
Tại đây, đàn ông Khmer sẽ đảm nhận phần công việc nặng nhọc hơn như đào đất, gánh đất, đốn củi… Còn phụ nữ sẽ đảm nhận phần làm gốm, phần công việc cần sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ. Mỗi ngày họ có thể làm được 7-8 cái cà ràng.
Để tạo ra những sản phẩm gốm bền đẹp thì việc chọn đất làm gốm vô cùng quan trọng. Đất được chọn phải là đất sét có màu vàng xám và có độ nhuyễn dẻo cao.Tại làng gốm Phnôm Pi người ta chỉ lấy đất sét từ hồ Latina (xã An Hảo, An Giang). Đất sét được lấy tại hồ Latina là loại đất không lẫn tạp chất, cần đào sâu mới chọn được đất tốt. Đất sau khi được lấy về được ủ rồi tưới nước cho mềm, lấy cây đập, nhồi đất, sau đó mới nặn thành hình, tạo họa tiết. Những sản phẩm tạo kiểu hoàn chỉnh sẽ đem phơi từ 3-5 ngày; cuối cùng đem nung bằng rơm.
|
Sản phẩm gốm Phnôm Pi mang đậm nét truyền thống của người Khmer. ( Ảnh:Dantri) |
Điều đặc biệt của gốm của Phnôm Pi là không nung bằng lò nung, mà nung bằng củi và rơm. Khi nung, rơm phải được phủ kín để không lọt hơi ra ngoài. Đây chính là bí quyết để có mẻ gốm vừa đẹp mắt, vừa có độ bền cao. Thời gian nung cho gốm chín khoảng 1 tiếng.
Nghề gốm truyền thống Phnôm Pi làm hoàn toàn thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Cực nhọc và tốn nhiều thời gian mới làm ra được 1 sản phẩm, nhưng thu nhập cũng không cao. Thêm vào đó, bếp điện, bếp gas ngày càng phổ biến khiến cho nghề truyền thống này không còn được phát triển như trước. Chính vì thế việc giữ gìn được nghề truyền thống này đến ngày này thật đáng trân quý; như giữ lại được hồn quê, hồn người của dân tộc Khmer.