GS.TS Trần Quang Hải: Cần đưa âm nhạc truyền thống vào nền giáo dục phổ thông

Thứ bảy, 31/07/2010 09:53

 

 GS. TS Trần Quang Hải

(ĐCSVN) – Nhân dịp GS.TS Trần Quang Hải trở về Việt Nam tham dự Hội nghị Âm nhạc truyền thống quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề về bảo tồn âm nhạc truyền thống Việt Nam.

PV: Sau bao nhiêu năm xa quê hương, nay trở về, ông có nhận xét gì về nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam hiện nay?

GS.TS Trần Quang Hải: Có thể nói, nền âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay đã có sự phát triển rất đáng phấn khởi. Trong khoảng từ năm 2003 -2009, Việt Nam đã có 4 kiệt tác văn hoá phi vật thể do UNESCO công nhận. Đây là điều mà không phải “xứ” nào cũng đạt được trong một thời gian ngắn như thế. Trong 4 kiệt tác: nhạc cung đình Huế, nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ và Ca trù, tôi vinh dự đã có mặt trong hai hồ sơ Quan họ và Ca trù. Tháng 1/2010 vừa qua, tôi có tham dự một hội thảo để lập hồ sơ cho hát Xoan, trong tương lai tôi sẽ tham dự hội thảo về đờn ca tài tử ở miền Nam. Và ở một tương lai không xa, chúng ta nên hãnh diện vì Việt Nam sẽ có nhiều bộ môn được UNESCO công nhận như: hát Xẩm, Múa rối nước, nhạc lễ miền Nam, ca Huế miền Trung, Hát trống quân, Hát dặm…

PV: Được biết, trong chuyến trở về Việt Nam lần này, ông có trao tặng cho Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam toàn bộ công trình nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông có thể nói rõ hơn về sự kiện này?

GS.TS Trần Quang Hải: Toàn bộ công trình nghiên cứu là những tư liệu được chọn lọc từ kho sưu tầm, nghiên cứu về âm nhạc truyền thống của gia đình tôi trong hơn 40 năm qua, gồm 10 đầu sách, 5 CD và 5 DVD. Trong đó có những cuốn sách quý như: Từ điển Âm nhạc và các nhạc sĩ New Grove (London, 1980); Từ điển Nhạc cụ New Grove (London, 1984); Tạp chí Âm nhạc dân tộc học (từ năm 1957); Tạp chí Âm nhạc châu Á (từ năm 1969)… Tôi lựa chọn tư liệu chủ yếu về âm nhạc truyền thống mà Viện Âm nhạc còn đang thiếu. Tôi hy vọng rằng, với khối tài liệu trên sẽ tạo nền tảng giúp cho sinh viên và những người nghiên cứu âm nhạc truyền thống ở Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.

PV: Thưa ông, có một thực tế hiện nay là giới trẻ thường xa rời âm nhạc truyền thống, ông nghĩ sao về vấn đề này?

GS.TS Trần Quang Hải là một trong bốn người con của GS Trần Văn Khê - một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Ông đã có trên 3.000 buổi biểu diễn tại 65 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác nhạc hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại.

GS.TS Trần Quang Hải đã thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, viết ba quyển sách, làm 4 DVD, 3 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu thế giới.

GS.TS Trần Quang Hải: Hiện nay ở Việt Nam, giáo dục âm nhạc truyền thống không có nhiều. Thế hệ trẻ từ lớp này đến lớp khác chỉ biết đến đàn bầu, đàn tranh, ngoài ra các loại hình âm nhạc truyền thống khác không hiểu gì. Hơn nữa, xã hội phát triển, trẻ em được tiếp xúc với các loại hình giải trí công nghệ cao nên vô hình trung chúng rời xa âm nhạc truyền thống.

PV: Là một GS hàng đầu về lĩnh vực âm nhạc truyền thống, theo ông, chúng ta phải làm gì để bảo tồn lâu dài loại hình âm nhạc này trong đời sống hiện đại?

GS.TS Trần Quang Hải: Để bảo tồn lâu dài âm nhạc truyền thống, chúng ta cần đưa âm nhạc vào trong nền giáo dục phổ thông, từ bậc tiểu học cho đến trung học phổ thông. Chúng ta có 12 năm, tạo cho những đứa trẻ có cái nhìn tổng quát về âm nhạc cổ truyền, mỗi một năm cho học một ít, nghe một ít dân ca, để khi lớn lên chúng có được những kiến thức tối thiểu về âm nhạc dân gian. Và bản thân những đứa trẻ sau này đi du học chúng cũng hãnh diện về gia tài âm nhạc của Việt Nam. Đến giao lưu với các bạn quốc tế, có thể hát được vài bài dân ca.

Thiết nghĩ phải đi từ bước đầu, giáo dục âm nhạc dân gian cho những đứa trẻ 5-6 tuổi, những lớp người 20 tuổi trở ra không thể đào tạo được nữa, trong vòng 10-15 năm tới sẽ có một thế hệ mới đi lên, hội tụ đủ những kiến thức của âm nhạc truyền thống. Chúng ta cần bỏ đi một thế hệ để đào tạo thế hệ mới, nếu không thì sẽ dẫm chân tại chỗ.

Đối với những nghệ nhân thì cần tạo điều kiện cho họ có một cuộc sống thoải mái, cần phong cho họ những danh hiệu: NSND, NSƯT; hỗ trợ họ mỗi tháng một ít tiền để họ không phải lo lắng về đời sống và vật chất. Như vậy, họ có thể toàn tâm, toàn ý, dành thời gian cho âm nhạc truyền thống.

PV: Sống ở nước ngoài rất nhiều năm, ông thấy cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thích nghe nhạc truyền thống không?

GS.TS Trần Quang Hải: Người hải ngoại cũng thích nghe nhạc cổ truyền, nhưng có lẽ xét toàn diện thì họ thích múa đôi, thích khiêu vũ và tân nhạc hơn. Nhạc cổ truyền thì được trình diễn cho người ngoại quốc, còn tân nhạc thì trình diễn cho người Việt. Bây giờ mình phải làm sao đi ngược lại, làm thế nào để người Việt Nam thích nhạc cổ truyền và thưởng thức đúng mức nhạc cổ truyền Việt Nam.

PV: Tại sao người nước ngoài lại có niềm đam mê nhạc truyền thống của Việt Nam hơn người Việt Nam?

GS.TS Trần Quang Hải: Vì âm nhạc Việt Nam khác với âm nhạc phương Tây, khi đánh lên nó có một sắc thái đặc biệt. Đối với người ngoại quốc, khi nghe âm nhạc truyền thống của Việt Nam, người ta thấy được bản sắc và tâm hồn người Việt chứ không phải lai căng, do đó họ rất thích nghe nhạc truyền thống của Việt Nam.

PV: Thưa ông, có cách nào để cộng đồng người Việt yêu thích nhạc truyền thống của đất nước mình không?

GS.TS Trần Quang Hải: Cũng khó lắm, vì đã là thói quen từ lâu trong cộng đồng rồi. Chúng ta chỉ có một cách là dạy âm nhạc truyền thống cho trẻ em trong cộng đồng người Việt. Có như thế, sau này âm nhạc truyền thống mới lan toả và tồn tại được trong tất cả các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

PV: Xin cám ơn ông!

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực