Khai mạc Hội nghị quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam lần thứ 2

Thứ ba, 05/01/2010 15:27

(ĐCSVN) – Sáng 5/1, Hội nghị quốc tế Giới thiệu Văn học Việt Nam lần thứ 2 đã được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội. Đến dự có các đồng chí: Tô Huy Rứa – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân – UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phùng Hữu Phú – UVTW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị có sự góp mặt của 150 đại biểu quốc tế đến từ 30 quốc gia, hơn 200 nhà văn, dịch giả, nhà báo của các cơ quan truyền thông, thông tấn trong nước và quốc tế.

Với sự cống hiến của nhiều thế hệ dịch giả Việt Nam, cho đến nay, hầu hết các tác phẩm tiêu biểu của các nền văn học lớn trên thế giới đều đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Quá trình này được tiến hành một cách có hệ thống, liên tục, ngay cả trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Theo thống kê chưa thật đầy đủ, tính đến năm 2007, đã có 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Trên thị trường sách Việt Nam hiện nay, cứ 100 cuốn sách được bày bán thì có 25 cuốn sách dịch của thế giới.

Nếu như văn học thế giới đến Việt Nam là một tiến trình có thành tựu, có truyền thống và ngày càng được mở rộng thì văn học Việt Nam đến với thế giới lại đang ở bước khởi động ban đầu. Cũng theo thống kê trên, cho đến nay, mới chỉ có 570 tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và xuất bản ra các nước trên thế giới. Đó cũng là sự bất tương xứng cần phải khắc phục một cách có tổ chức và với một tầm nhìn xa rộng.

 

 Múa "Những cô gái Việt Nam" tại Hội nghị


Ý thức rất sớm về vấn đề có tính chiến lược nói trên, Hội Nhà văn Việt Nam coi giao lưu văn học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hội và đã được cụ thể hóa trong nhiều khâu công tác. Năm 2002, Cuộc gặp gỡ quốc tế những người dịch văn học Việt Nam lần thứ Nhất đã được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của 25 dịch giả đến từ 12 quốc gia trên thế giới. 8 năm qua, số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều tiếng trên thế giới tăng một cách đáng kể, trong đó có trên 4 nước dịch “Nhật kỳ trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp theo tổng tập “Văn học Việt Nam” gồm 15 tập xuất bản tại Liên Xô những năm 80 của thế kỷ trước, bước sang thế kỷ XXI, nhiều tác phẩm của các tác giả cổ điển Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Lê Quý Đôn được giới thiệu tại Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ba Lan, Italia, Thụy Điển... Nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng được xuất bản và có ấn tượng tốt tại Hoa Kỳ; đồng thời nhiều tác phẩm văn học đương đại của Việt Nam lần đầu tiên được giới thiệu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Na Uy, Đan Mạch, Ca-na-đa, Phần Lan, Nhật Bản, Thái Lan... Nhiều cá nhân và nhà xuất bản trong nước, đi đầu là Nhà xuất bản Thế Giới đã tổ chức giới thiệu nhiều tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Đến dự Hội nghị lần này, các dịch giả Ba Lan cũng mang theo tuyển tập Thơ Việt Nam thế kỷ thứ X, thế kỷ thứ XIX vừa ra mắt bạn đọc Ba Lan.

 

 Trình bày bản nhạc "Trở về Tây Nguyên" tại Hội nghị


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh tới việc hoạch định chính sách vĩ mô cho lĩnh vực giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài; đẩy mạnh giao lưu văn hóa với nước ngoài; đầu tư thích đáng cho các dịch giả, hỗ trợ cho các nhà xuất bản trong và ngoài nước; cần có một giải thưởng Nhà nước cho công tác dịch thuật; thành lập Trung tâm Dịch thuật trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam để tập hợp 3 lực lượng dịch thuật gồm những dịch giả trong nước, người Việt Nam đang sống ở nước ngoài và các dịch giả người nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đây là một khởi đầu mới cho sự tìm hiểu toàn diện nền văn học, nền văn hóa Việt Nam, khởi đầu cho việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế khắp các châu lục. Đồng chí mong muốn và tin tưởng Hội Nhà văn Việt Nam, các dịch giả trong nước và nước ngoài sẽ nỗ lực không ngừng và hoàn thành tốt công việc cao quý của mình./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực