Tết ông Công ông Táo cúng sao cho đúng

Thứ tư, 07/02/2018 11:03
(ĐCSVN) - Theo phong tục của người Việt, Tết ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp là ngày Tết quan trọng trong năm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm mâm cúng, cách cúng ông Công ông Táo thế nào cho đúng.

Phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian thờ cúng các vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình. Theo đó, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm.

Đây là ngày lễ rất được coi trọng của người Việt, vào ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc. Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân. Đồng thời sẽ có 3 chiếc mũ ông Công (trong đó 2 mũ dành cho các Táo ông và mũ dành cho Táo bà), 1 chiếc áo và 1 đôi hia bằng giấy cùng hương hoa tiễn ông Táo về chầu trời.

Ảnh minh họa (nguồn: vtc.vn)

Trong truyền thuyết, cá chép là phương tiện đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, ở miền Bắc người ta còn cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước. Sau khi làm lễ xong, cá chép được đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Phong tục thờ cúng Táo quân là tín ngưỡng giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện. Tuy nhiên, nhiều người có suy nghĩ sai về tục lệ này trong hình thức thể hiện lẫn trong tâm thức. Nếu theo truyền thống thì lễ cúng Táo quân chỉ cần mâm cơm, chè ngọt, trầu cau, hoa quả… đơn giản nhưng nhiều gia đình bày biện lễ lạt tốn kém, mua nhiều vàng mã về đốt với niềm tin rằng, nếu họ dâng mâm cao cỗ đầy thì sẽ được Táo quân xí xóa những việc làm xấu, ban cho nhiều phước lộc. Đó là việc làm hoàn toàn sai lầm, khi không chỉ tốn kém về tiền của, còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống.

Bên cạnh đó, hình thức phóng sinh cá chép ra sông, hồ, ao, suối sau khi cúng là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt, nhưng nhiều người mang cá đi thả theo kiểu thiếu ý thức, làm cá vừa không sống được, lại vô hình chung xả rác ra nguồn nước.

Thờ cúng Táo Quân là nét văn hóa có từ lâu đời và đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam, hiểu đúng bản chất của tục cúng ông Công, ông Táo để có cách ứng xử với truyền thống văn hoá phù hợp, vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh, vừa giáo dục việc gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống và hướng con người chăm lo, vun đắp cho hạnh phúc gia đình./.

HN (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực