Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Phấn đấu triển khai thành công vụ Đông Xuân 2022-2023

Thứ sáu, 25/11/2022 16:54
(ĐCSVN) - Trong vụ Đông Xuân 2022-2023, địa phương phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 6.200ha. Trong đó, cây lúa, 4.000 ha; ngô 370 ha; rau các loại 250 ha; cây trồng khác 1.580 ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 2.5924 tấn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Vĩnh Phúc, thời tiết có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái LaNina và khả năng còn kéo dài sang các tháng đầu năm 2023. Do đó, mùa đông năm 2022 -2023 có khả năng không khí lạnh hoạt động sớm và nền nhiệt độ các tháng đầu mùa đông có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Các đợt rét đậm, rét hại có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong khoảng giữa tháng 12/2022 cho đến tháng 1/2023; từ tháng 2- 4/2023, nhiệt độ trung bình phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Khả năng có nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra trên địa bàn huyện, do đó, cần có các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, nhất là mạ và lúa mới cấy, đồng thời, cần có biện pháp quản lý và sử dụng nước hợp lý để đảm bảo sản xuất.

Theo UBND huyện Lập Thạch, trong vụ Đông Xuân 2022-2023, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hoá có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ; mở rộng quy mô các vùng trồng trọt sản xuất hàng hoá để tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn tập trung; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nhất là vùng trồng lúa kém hiệu quả để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất; mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối để phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là gieo trồng (mạ khay, cấy máy) và thu hoạch, bảo quản để giảm áp lực lúc thời vụ, hạ giá thành sản phẩm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuê ruộng, gom ruộng để sản xuất tập trung nhằm tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, sức cạnh tranh cao; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, dần hình thành nhiều mô hình “sản xuất theo chuỗi giá trị” trên địa bàn huyện.

 Trong vụ Đông Xuân 2022-2023, Lập Thạch phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 6.200ha (Ảnh minh họa: B.T)

Trong vụ Đông Xuân 2022-2023, địa phương phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 6.200ha. Trong đó, cây lúa, 4.000,0 ha; ngô 370 ha; rau các loại: 250 ha; cây trồng khác 1.580 ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt 2.5924 tấn; Trong đó, sản lượng lúa 24.000 tấn; sản lượng ngô 1.924 tấn.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong vụ Đông xuân năm 2022-2023, UBND huyện Lập Thạch đề nghị các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phân công lãnh đạo và cán bộ các phòng, ban, đơn vị có liên quan thường xuyên bám sát cơ sở, tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện tốt cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, tăng cường bám sát cơ sở cùng địa phương thực hiện, hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân năm 2023, kịp thời phát hiện và đề xuất các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

 UBND huyện Lập Thạch đề nghị cần bố trí cơ cấu cây trồng, giống và thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương (Ảnh: B.T)

Phấn đấu tập trung gieo trồng hết diện tích các loại cây trồng trong khung thời vụ tốt nhất, đầu tư thâm canh, bón phân cân đối hợp lý, tăng cường bón phân hữu cơ để tăng độ phì của đất, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, kịp thời để giảm chi phí sản xuất, giảm ngày công lao động, tăng năng suất.

Bố trí cơ cấu cây trồng, giống và thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cụ thể, đối với cây lúa, tùy thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thích hợp (trỗ xung quanh từ ngày 25/4 -5/5 dương lịch). Về cơ cấu trà lúa, mở rộng tối đa diện tích trà lúa Xuân muộn, do đây là trà lúa giảm được chi phí đầu tư và ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, sinh vật gây hại, cho năng suất cao và ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về trà lúa Xuân muộn, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 130 ngày), có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo khá.Thời vụ gieo từ ngày 25/1 - 5/2/2023 (29/12 - 15/1 âm lịch). Đối với cây Ngô Sử dụng các giống ngô như: NK4300, CP511, CP512, LVN 61, SSC586, ngô nếp, ngô ngọt,…; gieo từ ngày 20/01-15/02/2023 (29/12 - 25/1 âm lịch).

Vụ Đông Xuân 2022-2023, Lập Thạch dự kiến gieo trồng 370 ha ngô (Ảnh minh họa: B.T)

Cùng với các giải pháp trên, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, tích cực tuyên truyền sâu rộng, phổ biến các chủ trương, định hướng của tỉnh Vĩnh Phúc về sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón cân đối và phòng chống sinh vật hại kịp thời, bảo vệ an toàn cho sản xuất. Làm tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất gắn liền công tác quản lý nhà nước

Về giống, vật tư, phân bón, cần đảm bảo cung ứng đủ, đúng giống tốt; vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh sử dụng giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, dịch vụ cung ứng giống và vật tư phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện, trên cơ sở chấp hành tốt các quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: cấy lúa hiệu ứng hàng biên, 3 giảm 3 tăng, IPM, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) ngay từ đầu vụ để cây trồng sinh trưởng khỏe, tăng khả năng chống chịu sinh vật gây hại và các điều kiện ngoại cảnh bất thuận./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực