Vĩnh Phúc: Bảo đảm nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Thứ bảy, 23/11/2024 18:08
(ĐCSVN) - Là tỉnh có độ mở kinh tế, có ngành công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định là một trong những trọng điểm ưu tiên cấp điện, bảo đảm nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất, phát triển công nghiệp, quốc phòng, an ninh và sinh hoạt của Nhân dân.
Vĩnh Phúc: Bảo đảm nguồn điện ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai 26 dự án điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 dự án 500kV; 7 dự án 220kV và 16 dự án 110kV. 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đạt 3,705 tỷ kwh, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, điện phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm gần 62%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, giai đoạn 2024 - 2025, nhu cầu sử dụng điện của Vĩnh Phúc sẽ tăng cao do một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động và tăng công suất. Đến năm 2025, nhu cầu công suất cực đại của tỉnh đạt xấp xỉ 1.050MW; điện thương phẩm đạt xấp xỉ 5,014 tỷ kwh, tăng trưởng bình quân đạt 11,6%/năm; tổng công suất điện đăng ký của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2024 - 2025 là 573MW.

Để đáp ứng tốt nhu cầu điện phục vụ sản xuất, phát triển công nghiệp, sinh hoạt của Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh miền Bắc, trong tháng 8/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, tỉnh Hưng Yên nhằm tăng năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500kV từ miền Trung ra miền Bắc với công suất từ 2.500MW lên 5.000MW để nâng cao sự ổn định và vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo. Cùng với đó, chuyển giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Bộ Công Thương, tạo sự khách quan, minh bạch trong huy động, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo đảm cung ứng điện chủ động hơn cho các địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, tiến độ thi công một số dự án cấp điện trên địa bàn tỉnh còn chậm do nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như, tại buổi làm việc tháng 10/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống nhất hoàn thành xong 12 dự án điện trọng điểm trước 30/6/2024 để bảo đảm cấp điện cho cao điểm mùa hè trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, đến hết tháng 10/2024, đơn vị mới hoàn thành 6/12 dự án. 6 dự án không hoàn thành đúng tiến độ đều do vướng mặt bằng hoặc chưa được HĐND, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tỉnh Vĩnh Phúc được cấp điện từ 2 trạm biến áp, tổng công suất 1.000MVA và được hỗ trợ điện từ đường dây 110kV Quang Minh - Phúc Yên (liên kết với Thành phố Hà Nội) và đường dây 110kV Việt Trì - Lập Thạch. Những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng mạng lưới điện, bởi điện là một trong các điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; là vấn đề mà các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh thiếu công suất nguồn điện ở miền Bắc trong một vài năm gần đây. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc; thường xuyên kiểm tra, nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển các công trình điện với mục tiêu là bảo đảm cung cấp điện đầy đủ, chất lượng tốt nhất. Giai đoạn 2016 - 2020, lượng điện năng tiêu thụ bình quân của tỉnh tăng 14,27%/năm; giai đoạn 2021 - 2023, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 và sự suy thoái của kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nên mức tiêu thụ điện năng giảm, còn khoảng 7,5%/năm. 10 tháng năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh tăng khoảng 12%; công suất cực đại đạt 865MW, tương đương công suất cực đại của cả năm 2023.

Trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhất là điện phục vụ sản xuất công nghiệp, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã nâng công suất, lắp đặt máy biến áp 220kV - 250MVA thứ 2 tại huyện Vĩnh Tường; đóng điện 3 trạm biến áp mới ở các huyện Yên Lạc, Sông Lô, Tam Dương; lắp đặt bổ sung, nâng tổng công suất Trạm biến áp Đồng Sóc... Tuy nhiên, các trạm 220kV không còn công suất dự phòng; Trạm biến áp 220kV Vĩnh Yên đã mang tải 103% trong các thời điểm phụ tải tăng cao; các đường dây 110kV tại nhiều khu vực đã vận hành đầy, quá tải. Riêng Trạm biến áp Thiện Kế và Trạm biến áp 110kV Tam Dương thường xuyên phải mở vòng cưỡng bức để cấp điện cho 8 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Bình Xuyên 2; Khu công nghiệp Bình Xuyên; Khu công nghiệp Bá Thiện; Khu công nghiệp Bá Thiện 2; Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; Khu công nghiệp Sơn Lôi; Khu công nghiệp Tam Dương 2 và Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn – Liên Hòa. 10 tháng năm 2024, tổng sản lượng điện năng tiêu thụ tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tăng cao so với cùng kỳ, trong đó, huyện Tam Đảo tăng gần 21%; huyện Bình Xuyên tăng 13,8%; huyện Tam Dương tăng gần 12%...

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch điện 8 của Bộ Công Thương, đến năm 2030, tổng công suất các trạm biến áp 220kV cấp cho Vĩnh Phúc là 2.500 MVA, tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay; trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện 89 dự án lưới điện 110kV, tổng công suất khoảng 3.600MVA, cao gấp 2 lần hiện nay.

Để không xảy ra tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất công nghiệp, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của Nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã có các buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Điện lực Vĩnh Phúc để tháo gỡ khó khăn, nhất là về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hướng tuyến đường dây; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp điện, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Ngày 15/10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 47 quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có một số dự án lưới điện 110kV quan trọng hoàn thành như: Đường dây và Trạm biến áp 110KV Tam Dương; đường dây 110kV Bá Thiện - Khai Quang; Xuất tuyến 110kV sau Trạm biến áp 220kV Bá Thiện; Dự án nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110kV Việt Trì ‑ Lập Thạch; Dự án nâng cấp, cải tạo đường dây 110kV Vĩnh Yên - Việt Trì ‑ Vĩnh Tường... góp phần tăng cường năng lực, chống quá tải cục bộ tại một số khu vực.

Tiếp tục gỡ vướng cho các dự án điện, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, cuối tháng 10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp cùng tỉnh Vĩnh Phúc trong tháo gỡ các khó khăn về bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án điện. Đồng thời cho biết, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác riêng để tháo gỡ khó khăn cho dự án cấp điện trọng điểm quốc gia là Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về giá đất; hoàn thiện thủ tục hồ sơ liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trình HĐND tỉnh. Chủ động phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai các dự án với UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Các chủ đầu tư chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương trong xác định hướng tuyến, bố trí nhân lực, tài chính cho công tác bồi thường, tái định cư. Các Ban quản lý dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung nguồn lực triển khai dự án; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh cập nhật quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm tiến độ triển khai dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

T.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực