6,33 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn

Thứ tư, 29/07/2020 21:43
(ĐCSVN) - Với mục đích góp phần hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang sớm ổn định cuộc sống, sau gần 5 tháng triển khai dự án Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế đã có 33.157 người hưởng lợi từ dự án, với tổng kinh phí là 6,33 tỷ đồng.

Đó là kết quả đưa ra tại hội nghị tổng kết Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” do Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tổ chức ngày 29/7, tại Bạc Liêu.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại hội nghị"

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có 10/13 với 74/137 huyện bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Hơn 685.000 người tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, với ước tính thiệt hại từ khoảng 460.000 ha và 200.000 hộ gia đình thiếu nước trong sinh hoạt.

Nhằm hỗ trợ người dân ở khu vực này, năm 2020, Chính phủ đã hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đó là: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đã triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như: Bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt. 

Cùng với đó, chính quyền các cấp đã chỉ đạo, kiểm tra, quan trắc độ mặn, kiểm tra nguồn nước; nạo vét kênh mương làm tăng khả năng trữ nước ngọt vào mùa khô; nâng cấp hệ thống cống, bọng, chủ động khắc phục, hạn hế rò rỉ, xâm nhập mặn; Hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho những khu vực dân cư sống phân tán…

Trước những khó khăn, thách thức trên, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tỉnh Hội tích cực nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và vận động các nhà tài trợ hỗ trợ nước, dụng cụ chứa nước để hỗ trợ kịp thời đến người dân. Đồng thời, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đề xuất Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế hỗ trợ thực hiện Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” tại 5 tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang với tổng kinh phí là 6,33 tỷ đồng.

 
 Người dân Trà Vinh được hỗ trợ nước ngọt từ Dự án. (Ảnh: Trần Pha )

Dự án được triển khai thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, kinh phí: 2,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 bổ sung thêm 2 tỉnh Cà Mau, Kiên giang với kinh phí là 3,46 tỷ đồng.

Theo Quyền Giám đốc Trung tâm phòng ngừa ứng phó thảm hoạ khu vực miền Trung, Phó Trưởng ban Quản  lý thảm họa Trung ương Hội, Giám đốc Dự án Trần Sỹ Pha, để Dự án được triển khai đảm bảo tiến độ và đạt kết quả Ban điều hành dự án Trung ương Hội và các cấp đã  phối hợp với UBND tỉnh, các ban ngành có liên quan để có sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ việc triển khai thực hiện Dự án. Từ các báo cáo thống kê Trung ương Hội và các tỉnh đã lựa 16 xã (12 xã giai đoạn 1 và bổ sung 4 xã giai đoạn 2), 6 huyện (4 huyện giai đoạn 1 và 2 huyện giai đoạn 2).

Đến nay, theo báo cáo từ Dự án, từ 24/01/2020 - 31/7/2020 đã có 33.157 người hưởng lợi từ dự án (nữ 17.199); trong đó 6.000 hộ nhận can nhựa loại 20 lít để chứa nước; 3.843 hộ được nhận tiền mặt để phục hồi sinh kế; 7.244 lượt người lấy 367.606 lít nước thông qua vận hành 12 máy lọc nước; tổ chức 97 buổi, sự kiện truyền thông (kế hoạch 96 buổi) cho 3.453 người được truyền thông về nước sạch vệ sinh và phòng chống dịch bệnh với 28.369 băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi và hàng ngàn người được truyền thông về các hoạt động dự án qua các tin trên đài truyền hình, báo chí...

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ huyện, tỉnh Hội và các tình nguyện viên của 12 xã được hỗ trợ về: Phương pháp và kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh trong tình huống khẩn cấp; kỹ năng truyền thông theo nhóm; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn sử dụng các tờ rơi, pa nô áp phích để truyền thông.

 

 Ban Điều hành Dự án hỗ trợ người dân thực hành vệ sinh, nâng cao sức khỏe cộng đồng

(Ảnh: Hội CTĐ tỉnh Bến Tre)

Sau lớp tập huấn 100% cán bộ, tình nguyện viên đều nắm bắt được kiến thức cơ bản về nước sạch vệ sinh và phòng chống dịch bệnh;  kỹ năng để thực hiện các buổi truyền thông thay đổi hành vi; xây dựng đề cương cho các buổi truyền thông theo các chủ đề về nước sạch vệ sinh và các bệnh truyền nhiễm; tổ chức tốt các buổi truyền thông; sự kiện truyền thông về nước sạch, vệ sinh và các bệnh truyền nhiễm liên quan đến nguồn nước. Đồng thời cũng đã lập kế hoạch thời gian, phân công cán bộ truyền thông tại các xã.

Ngoài ra, Ban Điều hành Dự án đã chủ động tổ chức các sự kiện truyền thông khuyến khích thực hành vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng; tổ chức các buổi truyền thông về nước sạch vệ sinh và phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng; vận hành 12 máy lọc nước nhiễm mặt sang nước ngọt được 367.606 lít nước cho 7.244 lượt người; Mua và cấp phát 12.000 can nhựa chứa nước dung tích 20 lít cho hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn…

Ông Trần Sỹ Pha khẳng định, Dự án được triển khai giúp hỗ trợ người dân nước sạch, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, và với số tiền hỗ trợ sinh kế sẽ giúp người dân vượt qua khó khăn ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, người dân được tuyên truyền về các biện pháp rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, phòng chống dịch bệnh...

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai, thực hiện Đề án, ông Trần Sỹ Pha cho biết cũng còn nhiều khó khăn còn tồn tại. Cụ thể, việc triển khai dự án chủ yếu thực hiện hướng dẫn qua văn bản, điện thoại, email, không có hội nghị triển khai từ giai đoạn 1 do đó các tỉnh luôn vướng mắc trong triển khai các hoạt động. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên nhiều hoạt động phải hoãn, hủy nên không đảm bảo kế hoạch cũng như tiến độ đề ra. Sự tham gia của các cấp uỷ đảng, chính quyền của một số địa phương đối với các hoạt động của dự án chưa nhiều; công tác tham mưu của cấp Hội cơ sở chưa kịp thời nên hiệu quả của các hoạt động tại cộng đồng còn chưa cao.

Tại hội nghị tổng kết, các đại biểu cho rằng, để triển khai thực hiện Dự án có hiệu quả, ngoài sự chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, cụ thể của các tỉnh, thành, đơn vị; các đơn vị liên quan cần tham mưu sớm cho cấp ủy, chính quyền, địa phương nâng cao hiệu quả công tác cứu trợ.

Song song với đó, các mô hình mà dự án đã thực hiện thành công cần được Trung ương và các địa phương triển khai nhân rộng như: Truyền thông cộng đồng về nước sạch vệ sinh phòng chống dịch bệnh; cấp nước sạch thông qua hệ thống lọc nước; đánh giá thiệt hại và nhu cầu sau thiên tai.                                                                

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực