Ảnh hưởng của dông sét làm 2 người chết, 1 người bị thương

Thứ năm, 21/10/2021 10:44
(ĐCSVN) - Trong ngày 19/10, ảnh hưởng của dông sét đã làm 2 người bị chết khi đi làm đồng và 1 người bị thương tại Gia Lai. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, vào hồi 15h15’ ngày 19/10, trên địa bàn xã Ia Trốk, huyện Ia Pa đã xảy ra dông sét làm 2 người bị chết khi đi làm đồng và 1 người bị thương. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn.

Bên cạnh đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 15-19/10, về giao thông, hiện còn 4 vị trí Quốc lộ và tỉnh lộ còn ách tắc do sạt lở (Quảng Bình 1, Quảng Nam 2, Thanh Hóa 1). Chính quyền các địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố; dự kiến sẽ thông xe trong ngày 21/10/2021.

leftcenterrightdel
 Khắc phục sạt lở gây tắc giao thông trên tuyến ĐT606 qua Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
(Nguồn ảnh: baoquangnam.vn)

Theo dự báo, ngày 21/10, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30-70mm, có nơi trên 100mm. Từ chiều tối ngày 21/10 đến ngày 22/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.

Từ đêm ngày 22/10 đến 26/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Trước diễn biến thiên tai vẫn còn nhiều phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục xử lý thông các tuyến đường; khắc phục công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; vệ sinh môi trường khu vực ngập lụt để phòng tránh dịch bệnh.

Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn các ao hồ có nguy cơ mất an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực