Bá Thước nâng cao thế chủ động phòng chống thiên tai

Thứ năm, 21/10/2021 17:58
(ĐCSVN) - Bá Thước là huyện miền núi vùng thượng nguồn sông Mã, nơi có 2 công trình thủy điện Bá Thước 1 và Bá Thước 2 nên có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa. Do vậy, công tác phòng chống thiên tai luôn được địa phương đặc biệt chú trọng.

Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN & PTDS) huyện Bá Thước, hằng năm, trên địa bàn thường bị ảnh hưởng từ 3 đến 9 đợt thiên tai như sạt lở đất, lũ quét, dông lốc, sét, ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và hoạt động sản xuất.

Năm 2019 trên địa bàn xảy ra 03 đợt thiên tai làm 134 hộ dân phải sơ tán do ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất; 677,14 ha cây trồng nông lâm nghiệp bị ảnh hưởng; 19,92 ha ao bị ngập, 61,54 m3 lồng bè bị nước cuốn trôi; 18 tuyến đường giao thông bị sạt lở với chiều dài 6.705,0m, khối lượng đất đá sạt lở 17.599,5m3; 8 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 9 điểm trường bị ảnh hưởng… ước thiệt hại trên 70 tỷ đồng.

Năm 2020 xảy ra 09 đợt dông lốc, mưa lớn làm 05 nhà bị sập hoàn toàn, 121 nhà bị tốc mái, 02 trường học bị ảnh hưởng và 16 công trình phụ trợ bị hư hỏng; 111,17 ha cây trồng nông nghiệp và 41,84 ha rừng trồng bị ảnh hưởng… gây thiệt hại trên 4 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, địa phương đã xảy ra 02 đợt mưa, dông khiến hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở vào đất sản xuất nông nghiệp và các công trình công cộng, nhà ở dân sinh gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

 Nhà máy thủy điện Bá Thước 2, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Xuân Anh

Xác định công tác phòng chống thiên tai là một trong các nhiệm vụ quan trọng, từ đầu năm 2021 Huyện ủy, UBND huyện Bá Thước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương chủ động chuẩn bị các phương án, sẵn sàng ứng phó với bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ"; thành lập Ban chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện năm 2021 gồm 37 thành viên; kiện toàn kế hoạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia đối phó hiệu quả trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Cấp huyện huy động lực lượng 250 người thành phần gồm: Ban chỉ huy PCTT & TKCN, Ban chỉ huy quân sự, Công an huyện, Tiểu đoàn 19 Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, chủ rừng Nhà nước, Dân quân cơ động, Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế dự phòng; cấp xã huy động 3.618 người thành phần gồm: Lực lượng xung kích PCTT, dân quân tự vệ, Công an xã + thôn, Ban chỉ huy PCTT &TKCN xã, thôn, thanh niên xung kích...

Các loại phương tiện, trang thiết bị có thể huy động được để phục vụ công tác PCTT & TKCN cấp huyện gồm: 01 xe cứu thương, 02 xuồng máy, 05 ô tô, 37 đèn pin, 300 rọ thép, 01 cơ số thuốc men, phát thanh - truyền hình…; với cấp xã gồm: 66 ô tô, 1.098 xe máy, 266 xe trâu, 6.700 cọc tre, 307 áo phao, 287 đèn pin, hệ thống loa phát thanh.

Cùng với đó, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai cho các tổ đội xung kích và lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn về phương pháp sử dụng, điều khiển xuồng cao tốc; sử dụng phao cứu sinh; thực hành kỹ thuật cứu người bị nạn; tìm kiếm, đưa người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm trên sông, suối...

Về công tác hậu cần, khi có tình huống thiên tai gây chia cắt, cấp huyện dự kiến huy động 310 thùng lương khô, 671 thùng mì tôm, 62 tấn gạo, 9 tấn thực phẩm, 1.294 lít nhiên liệu, 3,7 tấn phèn chua, 154.315 viên clominB, 6,51 tấn vôi bột; các xã, thị trấn đảm bảo hậu cần cho nhân dân khi bị chia cắt do thiên tai gây ra theo quy định (ít nhất 3 ngày); hướng dẫn nhân dân tích trữ nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Điền Lư, một trong những địa phương trọng điểm về lũ lụt của huyện Bá Thước cho biết: “Là địa bàn có 2 công trình hồ thủy điện Bá Thước 1 và Bá Thước 2, luôn có nguy cơ về lũ lụt nên chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động các phương án, sẵn sàng ứng phó với bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ"; các tổ đội xung kích và lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai của xã luôn ở trạng thái sẵn sàng cao”.

 Lực lượng chức năng huyện Bá Thước hỗ trợ người dân đi lại trong mưa lũ. Ảnh: Xuân Anh

Đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao (như sạt lở, lũ ống, lũ quét), huyện Bá Thước cũng đã hoàn thiện các phương án sơ tán dân; thường xuyên yêu cầu các xã, thị trấn rà soát các hộ gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng số 732 hộ/2.948 khẩu. Đồng thời yêu cầu các địa bàn trọng điểm có nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét đều phải xây dựng kế hoạch cụ thể từ việc khoanh vùng sơ tán nhân dân đến bố trí các lực lượng giúp nhân dân sơ tán.

Bên cạnh đó, huyện Bá Thước cũng yêu cầu các đơn vị quản lý các công trình thủy điện, và các chủ đập trên lưu vực sông Mã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT &TKCN phân công nhiệm vụ cho các thành viên; rà soát cập nhật bổ sung, phê duyệt các phương án ứng phó thiên tai, quy chế phối hợp với địa phương. Rà soát phương án thông tin, liên lạc, bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống; tuân thủ thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình, đập, hồ chứa và vùng hạ du; xây dựng các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý; chuẩn bị thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nghiêm quy trình vận hành, xả lũ an toàn…

Trong công tác dự báo, địa phương đã chỉ đạo đơn vị chuyên trách tăng cường tần suất phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; thường xuyên theo dõi cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện Bá Thước cho biết: Những năm qua, mọi công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, nhất là kế hoạch huy động phương tiện và vật chất tham gia phòng, chống lụt bão của huyện Bá Thước luôn ở thế chủ động để sẵn sàng để đối phó trước các mùa mưa bão. Năm 2021, địa phương đã tập trung làm tốt mọi công tác chuẩn bị về nhân vật lực, các phương án ứng phó trước mọi tình huống; công tác hậu cần được chú trọng xuống từng thôn, bản; các loại vật liệu xử lý sự cố khác cũng được tập kết tại các địa điểm xung yếu, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai.

“Do khâu chuẩn bị khá kỹ càng nên mỗi khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra bão lụt, lũ ống, lũ quét, tất cả các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS các cấp ở huyện Bá Thước đều có mặt kịp thời tại cơ sở theo kế hoạch phân công. Các lực lượng dân quân, thanh niên... nằm trong lực lượng phản ứng nhanh luôn túc trực tại thôn, xã để sẵn sàng cơ động trước mọi tình huống xảy ra” - ông Khoa nói./. 

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực