Bắc Kạn: Gần 30 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề

Thứ năm, 12/11/2020 21:17
(ĐCSVN) - Từ năm 2010 đến nay, đào tạo nghề trong toàn tỉnh Bắc Kạn ở các cấp trình độ đào tạo đạt trên 71.400 lao động; trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đạt 29.720 người.

Ngày 12/11, tại TP Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956).

Đại diện các tập thể nhận Bằng khen của UBND tỉnh

10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từng bước gắn với thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới; xác định rõ các mục tiêu, chính sách phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức của người dân về việc học nghề đã có sự chuyển biến căn bản từ chỗ tham gia học nghề thụ động, được vận động theo phong trào đã chuyển sang chủ động học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng, tìm được việc làm có thu nhập ổn định, từng bước làm giàu, giảm nghèo bền vững.

 Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, đào tạo nghề trong toàn tỉnh ở các cấp trình độ đào tạo đạt trên 71.400 lao động; trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đạt 29.720 người. Sau học nghề, có trên 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học được áp dụng vào thực tế sản xuất; có trên 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương; góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động phát huy hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện Đề án 1956 ở tỉnh Bắc Kạn là đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như: Mô hình đào tạo nghề trồng và chế biến các sản phẩm từ cây dong riềng tại các xã Côn Minh (Na Rỳ), Mỹ Phương (Ba Bể); mô hình chăn nuôi gà thả đồi tại xã Thanh Mai (Chợ Mới); mô hình vỗ béo trâu bò tại xã Nghiên Loan (Pác Nặm); mô hình sản xuất bún, phở khô tại thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông), xã Cao Kỳ (Chợ Mới); mô hình Du lịch cộng đồng (huyện Ba Bể)... qua đó, giúp gần 1.800 hộ có người tham gia học nghề được thoát nghèo; gần 2.300 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá.

 Hội nghị đã thảo luận, làm rõ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong thực hiện công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh như: Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở được đầu tư ở giai đoạn đầu của Đề án 1956 đến nay đã lạc hậu, không còn đáp ứng được nhu cầu đào tạo của đơn vị và yêu cầu của thị trường lao động; kinh phí phân bổ cho công tác đào tạo nghề hàng năm còn chậm; công tác phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; thời gian đào tạo đối với một số nghề chưa phù hợp, kinh phí hỗ trợ đào tạo thấp nên khó khăn trong công tác tuyển sinh…

 Tại Hội nghị, có 08 tập thể và 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 1956 đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh./.

Tin, ảnh: Thùy Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực