Bài học từ dịch bệnh COVID-19 ở Singapore

Thứ ba, 05/05/2020 15:23
(ĐCSVN) - Từng được thế giới xem như là một trong những “hình mẫu” về khống chế dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên những tuần gần đây, số người nhiễm bệnh ở Singapore đã tăng lên nhanh chóng. Hệ thống y tế nước này đang đối diện với hàng loạt khó khăn do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19...
Xe cứu thương tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm - nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở Singapore. Ảnh: AFP/Getty. 

Số ca mắc COVID-19 tăng liên tục...

Thời điểm đầu khi dịch bệnh COVID-19 mới vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, Singapore đã kiểm soát thành công dịch bệnh này trong nhiều tuần liên tiếp. Cũng như Việt Nam, thông qua chiến dịch giám sát cẩn trọng và ngăn chặn từ sớm nên nước này đã thường xuyên duy trì được số ca bệnh ở mức thấp; số lượng bệnh nhân mới hàng ngày được khống chế có hiệu quả. Vào đầu tháng 3, Singapore chỉ có hơn 100 trường hợp nhiễm bệnh và trở thành một “hình mẫu” về khống chế dịch bệnh COVID-19.

Tuy vậy, từ đầu tháng 4 đến nay, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi khi số người mắc COVID-19 ở Singapore liên tiếp tăng lên. Quốc gia này đã phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, phần lớn từ bên ngoài đưa vào. Theo đó, chỉ riêng ngày 1/4 đã có tới 74 trường hợp mắc mới. Ngày 10/4, Singapore ghi nhận thêm 198 ca mắc và 1 ca tử vong do bệnh COVID-19, đưa tổng số bệnh nhân tại đây tăng lên 2.108 ca với 7 ca tử vong. Đặc biệt, trong tuần cuối tháng 4, con số này đã tăng vọt lên đến 950 ca/ngày. Số ca nhiễm COVID-19 cũng đã "bùng nổ" từ 926 ca vào cuối tháng 3 lên tới 16.169 ca vào cuối tháng 4. Diễn biến này đã đặt hệ thống y tế của Singapore trước những áp lực lớn đối với việc đáp ứng nhu cầu điều trị trong bối cảnh số bệnh nhân liên tục gia tăng.

Theo phân tích của giới chuyên gia, vấn đề khó khăn mà Singapore gặp phải trong hơn 1 tháng vừa qua đó là kiểm soát nguồn lây bệnh và thực hiện giãn cách xã hội. Trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát, chính phủ Singapore đã áp đặt các hạn chế du lịch nghiêm ngặt, đầu tiên nhắm vào các du khách nước ngoài đến từ Trung Quốc; sau đó là Hàn Quốc, Ý và Iran; cuối cùng là cấm tất cả du khách nước ngoài. Nhờ đó, nguồn lây nhiễm cơ bản đã được kiểm soát tốt.

Tuy vậy, từ đầu tháng 4, đất nước 5,7 triệu dân này đã phải đối mặt với làn sóng lây bệnh thứ hai liên quan đến công dân Singapore trở về từ các nước như Mỹ và Anh trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành ở các nước này. Đáng lo ngại hơn là một số ca lây nhiễm tại địa phương và các ca không có liên kết với các bệnh nhân trước đó.

Mọi cố gắng sẽ thành “bong bóng” nếu người dân lơ là, chủ quan

Kết quả phân tích cho thấy, hầu hết bệnh nhân mới ở Singapore đều là người lao động nhập cư sống ở các khu tập thể. Trong khi đó, nước này hiện có hơn 323.000 lao động nhập cư sinh sống tập trung trong các khu tập thể. Đây là điều kiện tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất lớn nếu không có những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Đến cuối tháng 4, chỉ riêng khu tập thể S11 đã có gần 2.000 ca nhiễm; đây cũng là ổ dịch lớn nhất ở Singapore. Đồng thời, đảo quốc này cũng đã vượt qua Indonesia và Philippines để trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nguyên nhân gia tăng số lượng ca mắc mới COVID-19 ở Singapore còn do nhiều người dân vẫn chưa thực sự coi trọng chiến lược giãn cách xã hội. Sau giai đoạn đầu ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả, nhiều người có biểu hiện chủ quan trong thực hiện các quy định về giãn cách xã hội. Điển hình nhất là việc thực hiện khuyến khích để người lao động làm việc từ xa chưa thực sự có hiệu quả. Mặc dù chính quyền Singapore đã cảnh báo rằng những người không làm việc từ xa trong khi có thể thực hiện sẽ có thể bị truy tố.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này còn liên quan đến việc đeo khẩu trang. Trước đây, chính quyền Singapore đã nói với người dân rằng không nên đeo vì cần để dành chúng cho nhân viên y tế. Trước việc số ca nhiễm mới gia tăng chóng mặt, chính quyền đã khuyến khích người dân đeo vải che mặt, đeo khẩu trang như một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thực tế những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Singapore trong những tuần gần đây đã cho thấy, nếu người dân không làm theo những chỉ dẫn đơn giản, thì dù chính phủ có đưa ra biện pháp gì, bệnh dịch cũng sẽ không thể kiểm soát. Nói cách khác, mọi nỗ lực và cố gắng trong phòng, chống dịch COVID-19 sẽ thành “bong bóng” nếu người dân lơ là, chủ quan trong thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp tự bảo đảm an toàn phòng dịch cho bản thân, gia đình.

Phân tích những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 của “hình mẫu” Singapore sẽ giúp chúng ta có thêm những bài học trong phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này. Thực tế ở Việt Nam, chúng ta đã thành công trong giai đoạn 1 khi bước đầu khống chế được sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đến nay, với việc thực hiện nghiêm túc “cách ly xã hội”, cơ bản Việt Nam đã không để gia tăng số bệnh nhân mới và điều trị thành công phần lớn số ca nhiễm bệnh. Tính đến sáng ngày 05/5, liên tục trong 19 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng; 221/271 bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh và ra viện; chưa có trường hợp bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đó, thực tế những ngày gần đây tại các địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, nhất là thực hiện các quy định về hạn chế tập trung đông người; đeo khẩu trang khi đi ra đường; giữ khoảng cách tối thiểu 1m... Những vi phạm này cần bị lên án và xử lý nghiêm khắc bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Việc số ca nhiễm COVID-19 ở Singapore tăng lên hơn 170 lần chỉ sau 2 tháng là bài học về việc áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp trong chống dịch. Để những nỗ lực, cố gắng của các lực lượng, các địa phương và toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thực sự có hiệu quả, đòi hỏi chúng ta cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc hơn nữa Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; có biện pháp cách ly tập trung và chủ động với các tình huống khi tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài; đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội... Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục làm chủ tình thế trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19; từng bước ngăn chặn và đẩy lùi loại dịch bệnh nguy hiểm này./.

Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực