Bám sát tình hình thiên tai để chủ động các phương án ứng phó

Thứ hai, 24/01/2022 10:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong năm 2021, với sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Bước sang năm 2022, toàn ngành phấn đấu sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thiên tai để chủ động các phương án ứng phó.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Nguồn: B.T)

Công tác chỉ đạo được triển khai khẩn trương, kịp thời

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2021, thiên tai và thảm họa trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, gây thiệt hại lớn về con người, kinh tế, đời sống xã hội. Chỉ riêng thiên tai năm 2021 đã làm hơn 16.000 người chết, thiệt hại hơn 105 tỷ USD.

Ở trong nước, đã xảy ra tổng số 4.061 trận thiên tai, tai nạn, sự cố (chưa tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt). Trong đó đã xảy ra 841 trận với 18/22 loại hình thiên tai và làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Đây cũng là năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động, trong đó có hoạt động phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.   

Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn và thách thức, trong năm 2021, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.  

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo ứng phó thành công với các đợt thiên tai lớn, đảm bảo mục tiêu kép an toàn phòng, chống thiên tai và dịch bệnh. Nổi bật có thể thấy trong công tác ứng phó với các đợt mưa lũ lớn tại khu vực miền Trung, trong đó, đợt mưa từ 27/11 đến 1/12 gây lũ lớn tương đương mức lịch sử trên các sông tại Bình Định, Phú Yên, gây ngập lụt trên diện rộng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Tổng số người bị chết và mất tích do mưa lũ tại khu vực trong cả năm 2021 là  37 người, thiệt hại về kinh tế khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thiệt hại về người do mưa lũ tại khu vực miền Trung năm 2020 gồm 249 người, về kinh tế trên 39.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo ứng phó, kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển được thực hiện khẩn trương, góp phần đảm bảo an toàn trước các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nhất là ứng phó với bão số 9 - cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 40 năm gần đây. Trong đó, đã đảm bảo an toàn cho 58.720 tàu/298.360 lao động đang hoạt động trên biển, 51.990 người trên khu vực quần đảo Trường Sa và 4 đảo lớn gần bờ chịu ảnh hưởng của bão, không có thiệt hại trực tiếp về người và tàu thuyển trên biển.

Đồng thời, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo, điều động 64.572 lượt người, 5.098 phương tiện tham gia ứng phó 4.061 vụ sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, ứng cứu kịp thời 3.789 vụ, cứu được 4.050 người và 456 phương tiện; di dời 7.948 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; khắc phục 1.643 nhà, xưởng bị hỏng; kêu gọi thông báo cho 395.154 phương tiện/1.809.767 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, tránh trú an toàn,...Trong đó các lực lượng Quân đội (Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng) đã điều động 3.171 lượt người với 168 lượt phương tiện, 4 chuyến máy bay tìm kiếm cứu nạn trên biển, cứu được 531 người và 38 phương tiện trên biển đưa về bờ. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã điều động 462 lượt người cứu được 54 người và 2 phương tiện.

Cùng với các kết quả trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn còn triển khai chỉ đạo công tác thống kê thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, các bộ, ngành; tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khắc phục hậu quả. Cụ thể, đã kịp thời hướng dẫn các địa phương tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ; tổng hợp, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.350 tỷ đồng cho các tỉnh khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2021. Phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ 3.738 tấn gạo cứu đói do thiên tai, 765 tấn giống cây trồng và các loại vắcxin, hóa chất khác.

Đồng thời, đã xuất, cấp kịp thời từ nguồn dự trữ quốc gia các phương tiện, trang thiết bị, vật tư ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho 6 Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: 30 xuồng cứu nạn, 25 máy phát điện, 55 máy và thiết bị chuyên dụng, 90 máy bơm nước chống ngập úng, 1.461 nhà bạt, 176.699 vật dụng khác và 739,86 tấn lương thực,…

Bám sát tình hình thiên tai để chủ động các phương án ứng phó

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, thiên tai năm 2022 tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường. Mặt khác, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ phải đối mặt với tình huống thảm họa kép khi thiên tai xảy ra tại các khu vực dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành.

Đây là những thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai năm 2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó là những khó khăn khi nhận thức tại một số cơ sở, địa phương và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện chủ quan, bất cẩn dẫn đến thiệt hại về tính mạng của người dân khi xảy ra thiên tai. Công tác chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu và các hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai còn chưa kịp thời, thiếu tính gắn kết ở cả Trung ương và địa phương dẫn đến một số hoạt động chồng chéo, hiệu quả chưa cao.

Đáng chú ý, kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của cấp cơ sở (huyện, xã) chưa chi tiết, thiếu cụ thể, dự kiến các tình huống chưa sát với tình hình nên khi có tình huống còn lúng túng. Đặc biệt là việc luyện tập, diễn tập theo kế hoạch, phương án chất lượng còn hạn chế; công tác rà soát, điều chỉnh các trọng điểm cần quan tâm vào kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm chưa được chú trọng,…

Do đó, để triển khai hiệu quả công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tập trung theo dõi, giám sát diễn biến thiên tai để chủ động, kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có các tình huống xảy ra. Đồng thời, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là thiên tai lớn trên diện rộng, nhất là phương án chỉ đạo điều hành, triển khai đoàn công tác hiện trường cũng như phương án sơ tán dân, đảm bảo mục tiêu kép an toàn phòng chống thiên tai và dịch bệnh.

Năm 2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu và trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai nguồn lực hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai. Xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức quốc tế cho công tác ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong năm 2022, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sẽ chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ ứng trực, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xác định công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng trong công tác lãnh đạo của Ủy ban để hoàn thành tốt “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo kiện toàn, nâng cao năng lực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Rà soát bổ sung hệ thống kế hoạch, phương án; tổ chức duy trì nghiêm chế độ ứng trực sẵn sàng xử lý mọi tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra. Chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn đảm bảo nội dung, chương trình, bám sát với thực tế.

Ngoài ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phấn đấu tiếp tục nắm bắt, bám sát tình hình thực tế; phân tích tham mưu kịp thời, xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, xây dựng chuyên sâu các kịch bản chỉ đạo điều hành.

Tăng cường phối hợp với Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực các tỉnh và Bộ, ngành, tạo thành hệ thống cốt lõi, bền vững trong phòng, chống thiên tai, sự cố và Tìm kiếm cứu nạn; chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và lực lượng xung kích cơ sở. Đặc biệt, sẵn sàng các phương án, kịch bản thường trực, trực ban và các đoàn công tác đến hiện trường khi có tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trong trường hợp phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực