Bão lũ đi qua, tình người ở lại

Thứ năm, 06/10/2022 10:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng, đoàn kết quân dân là những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Kế thừa, phát huy truyền thống đó đã giúp chúng ta có được sức mạnh để vượt lên những hoàn cảnh khó khăn, đương đầu với thiên tai, dịch bệnh.

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, cơn bão số 4 (bão Noru) và các hiện tượng thời tiết tiêu cực đã gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương ở khu vực miền Trung. Song chính trong hoàn cảnh đó, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình nghĩa quân dân lại tỏa sáng, tạo lên sức mạnh để hạn chế những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Bão số 4 (bão Noru) được dự báo là cơn bão mạnh lịch sử. Vùng biển ven bờ và ngoài khơi Trung bộ có gió cấp 14-15, giật cấp 17, khi vào đất liền bão vẫn còn rất mạnh, đạt cấp 12-14, giật cấp 15. Song nhờ chủ động chuẩn bị nên chúng ta đã hạn chế tối đa những thiệt hại do bão số 4 gây ra. Tuy nhiên, khi bão đổ bộ vào đất liền cũng đã gây ra một số thiệt hại tại các địa phương.

Tại các khu du lịch, khá nhiều du khách đã bị mắc kẹt lại cho ảnh hưởng của bão. Và giữa tâm bão Noru, với tinh thần tương thân, tương ái, người dân đã xích lại gần nhau hơn bằng những lời nói, hành động ấm áp. Điển hình là hàng loạt khách sạn, nhà hàng, cửa hàng ăn uống ở quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã thực hiện miễn phí toàn bộ phòng ở để du khách bị mắc kẹt tại Đà Nẵng và người nghèo, trẻ em lang thang, đến cư trú; những khách đặt phòng khách sạn nhưng không may gặp ngày bão đổ bộ sẽ được miễn phí toàn bộ. Có thể kể đến các khách sạn, nhà hàng như Santori Hotel & Spa Da Nang, Louis Beer Pub, Chill Biển, Louis… Nhiều người dân cũng tự nguyện đăng thông tin lên mạng xã hội để đón những người xa quê đang mưu sinh bằng nghề vé số, ve chai, những người khó khăn có thể đến tránh bão an toàn. Đặc biệt, không chỉ cung cấp miễn phí phòng ở, chủ nhân các nhà hàng, khách sạn nói trên còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ ăn, nước lọc… để hỗ trợ miễn phí cho người đăng ký đến tránh trú bão.

leftcenterrightdel
Nhiều người dân, du khách đã được các khách sạn, nhà hàng ở Đà Nẵng hỗ trợ nơi tránh bão. Ảnh: Thành Long. 

Dành gần hết ngôi nhà 4 tầng của gia đình để hỗ trợ miễn phí hơn 30 người tránh bão, ông Phạm Thế Phương ở số 57 Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết: “Khi hoạn nạn là lúc chúng ta cần sự hỗ trợ của những người xung quanh nhất. Nhà tôi rộng và cũng khá chắc chắn, nên tôi đã đăng thông tin lên mạng xã hội, đề nghị hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho ai cần chỗ tránh bão”.

Em Trần Đức Thành, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng xúc động chia sẻ: “Em và bạn trọ ở khu nhà cấp 4, khi nghe tin về cơn bão số 4, em đã rất lo lắng vì nhà trọ không chắc chắn. May nhờ có sự hỗ trợ của chú Phương nên chúng em đã có được chỗ tránh bão an toàn. Em cảm ơn chú và gia đình rất nhiều”.

Còn chị Nguyễn Thị Hà, một khách du lịch bị kẹt lại khách sạn Santori Hotel & Spa Da Nang do ảnh hưởng của bão số 4 chia sẻ: “Khách sạn đã miễn phí toàn bộ các chi phí cho gia đình tôi trong những ngày ở lại tránh bão. Có thể giá trị không nhiều nhưng việc làm này đã góp phần tạo lên hình ảnh đẹp về du lịch và con người Đà Nẵng”.

Những việc làm bình dị nhưng giàu ý nghĩa nhân văn của người dân Đà Nẵng đã giúp lan tỏa truyền thống tương thân tương ái, tinh thần sẻ chia trong cộng đồng xã hội.

leftcenterrightdel
 Bộ đội giúp gia đình bà Ngân Thị Tâm ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn dọn dẹp sau lũ quét. Ảnh: Hoa Lê.

Cũng trong quá trình bão số 4 đổ bộ vào đất liền, đã có hơn 1 vạn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ đội Biên phòng, Hải quân… tham gia hỗ trợ người dân phòng, chống bão. Mới đây nhất, trận lũ quét vào ngày 02/10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho người dân tại một số địa phương ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội trên địa bàn đã không quản vất vả, hiểm nguy, dồn hết tâm sức giúp nhân dân khắc phục hậu quả trận lũ quét. Trong gian khó, hoạn nạn, tình quân dân càng thắm đượm, tỏa sáng.

Bác Ngân Thị Tâm ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Lũ quét về bất ngờ, gia đình tôi và các hộ trong bản bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. May có các chú bộ đội đã kịp thời có mặt, giúp gia đình khắc phục hậu quả, ổn định đời sống”.

Có thể nói, tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng, đoàn kết quân dân là những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Kế thừa, phát huy truyền thống đó đã giúp chúng ta có được sức mạnh để vượt lên những hoàn cảnh khó khăn, đương đầu với thiên tai, dịch bệnh. Điển hình như chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tương thân tương ái, truyền thống đoàn kết cộng đồng, đoàn kết quân dân sẽ là cơ sở quan trọng để mỗi địa phương và cả nước vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực