Bến Tre: Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện

Thứ ba, 27/10/2020 09:07
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2016 - 2020, những nỗ lực giảm nghèo của tỉnh Bến Tre đã đưa hơn 26.700 hộ dân thoát nghèo. Điều kiện sống của người nghèo trên địa bàn được cải thiện về thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển bền vững của tỉnh.
Mô hình nuôi tôm càng xanh xen ruộng lúa giúp nhiều hộ dân ở huyện biển thoát nghèo. 

Theo đó, thông qua các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí tỉnh đã dùng để hỗ trợ người nghèo vươn lên, thoát nghèo là hơn 9,23 ngàn tỷ đồng. Về đối tượng hưởng lợi CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh xác định đó là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Các hoạt động hỗ trợ người nghèo được thực hiện thông qua nhiều dự án. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại 30 xã bãi ngang, ven biển trên địa bàn tỉnh. Nhân rộng 196 mô hình giảm nghèo và dự án phát triển sản xuất với 1.270 hộ nghèo tham gia. Mỗi hộ nghèo chọn cho mình 1 mô hình phù hợp với hoàn cảnh. Đa số là buôn bán nhỏ; nuôi tôm, cua nước mặn; trồng cỏ nuôi dê, bò. Việc đa dạng hóa sinh kế giúp người dân cải thiện thu nhập, từng bước thay đổi thói quen sản xuất của hộ dân từ truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, sử dụng đất hiệu quả. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả giảm nghèo 5 năm (từ 2016 - 2020) tại tỉnh hiện đã vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng điều tra theo phương pháp tiếp cận đa chiều cho thấy, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 44.915 hộ nghèo, tỷ lệ 12,11%; đến cuối năm 2019 còn 18.185 hộ nghèo, tỷ lệ 4,59%. Chỉ trong 4 năm, có hơn 26.730 hộ thoát nghèo. Dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4%. Bình quân mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo là 1,622%, đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (giảm bình quân từ 1,5%/năm).

Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã bãi ngang đã giảm bình quân 2,82%/năm. Thu nhập bình quân của người dân ở các xã bãi ngang tăng từ 23 triệu đồng/người/năm lên 26 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiếp cận cơ bản đầy đủ các dịch vụ xã hội theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, có 1 xã bãi ngang (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) được công nhận xã nông thôn mới.

Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trong 5 năm qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Tuy nhiên vẫn chưa mang tính bền vững. Tỷ lệ hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh bình quân hàng năm vẫn còn cao. Theo thống kê, cứ 100 hộ thoát nghèo mỗi năm thì có gần 1 hộ tái nghèo và phát sinh hơn 17 hộ nghèo mới. Cụ thể, từ năm 2016 - 2019, tỷ lệ hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh khoảng 18,13%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ tái nghèo khoảng 0,74%/năm, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh khoảng 17,39%/năm.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh là kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai các biện pháp an sinh xã hội thích hợp cho mọi người, đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, phát triển các dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và các chính sách trợ giúp xã hội, các dịch vụ hỗ trợ gia đình, chăm sóc trẻ em. Hỗ trợ các nhóm dân cư yếu thế, dễ bị tổn thương. Thêm vào đó, cần thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng từ 1,5 - 2 lần so với năm 2020.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Dự kiến, chuẩn nghèo giai đoạn mới 2021 - 2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mức thu nhập bình quân của hộ nghèo 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn, 2 triệu đồng/người/tháng đối với thành thị. Định hướng sắp tới, Trung ương sẽ tách hộ nghèo bảo trợ xã hội (gồm hộ người già neo đơn, hộ không có đất đai, không có sức lao động) ra khỏi hộ nghèo chung của địa phương. Hiện trong 18.185 hộ nghèo của tỉnh, có 3.036 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội.

Giảm nghèo bền vững và toàn diện là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Người nghèo cần có ý chí vượt khó, chủ động phát huy nội lực để vươn lên thoát nghèo bền vững. Người nghèo phải chủ động, hành động, phải là chủ thể của tiến trình giảm nghèo. Ban chỉ đạo các cấp hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả./.

Thạch Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực