Bến xe miền Đông hết vé xe thương hiệu

Thứ năm, 14/01/2010 10:08

  

       Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông. 

Ngày 13-1, hàng trăm hành khách đến Bến xe miền Đông (TPHCM) mua trước vé xe đò tết đều thất vọng vì hầu hết doanh nghiệp xe khách chất lượng cao đều thông báo hết vé. Hiện nay, nếu muốn về Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế… trong các ngày từ 25 đến 29-12 Âm lịch, hành khách chỉ còn cách mua vé ủy thác của bến.

Hết vé xe chất lượng cao

Trong dịp tết, ngành đường sắt đã tăng chuyến, tăng toa, tăng số lượng ghế trên mỗi chuyến nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại của người dân. Hầu hết các đại lý vé máy bay cũng thông báo hết vé đi miền Trung. Trước tình hình này, hàng ngàn người dân muốn về thăm quê trong dịp tết chỉ còn phương tiện duy nhất là ô tô. Để không rơi vào tình cảnh nhồi nhét, phần lớn hành khách chọn xe chất lượng cao của các hãng Mai Linh, Phương Trang, Thuận Thảo, Hoàng Long, Bình Tâm… dù giá vé các loại xe này chênh lệch khá cao so ngày thường.

Từ 7 giờ sáng, hành khách đã tập trung trước các quầy bán vé của các doanh nghiệp vận tải thương hiệu (xe chất lượng cao) như Mai Linh, Phương Trang, Thuận Thảo, Hoàng Long, Bình Tâm… để mua vé. Tuy nhiên đến khoảng gần 11 giờ trưa cùng ngày, nhân viên bán vé của các hãng trên đều khoát tay thông báo hết vé vào các ngày từ 25 đến 29-12 Âm lịch. Thậm chí với vé đi ngày 20-12 Âm lịch, nhiều doanh nghiệp cũng thông báo không còn vé.

Nhiều hành khách do không mua được vé xe nên phải chờ xe tăng cường như lời hứa của các doanh nghiệp, nhất là các tuyến đi Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... Tại quầy vé Chín Nghĩa, anh Hoàng Anh Tú sau một hồi hỏi mua vé về Quảng Ngãi vào ngày 25, nhân viên bán vé thông báo từ ngày 21 đến 29 Tết không còn vé, chỉ còn ngày 20-12 trở lui thôi, có mua thì mua luôn chứ không tí nữa cũng hết, anh Tú đành mua luôn với giá vé 450.000 đồng.

“Ngày thường giá chỉ có 240.000 đồng, tết tăng gần gấp đôi, đắt quá! Nhưng mua được vé là mừng rồi vì có nhiều người đi chung hỏi hết các quầy không nơi nào còn vé về từ ngày 24 đến 29 cả. Họ đành phải đi xe trong bến thôi”, anh Tú nói.

Riêng hãng Mai Linh không bán vé trước vào những ngày tết trực tiếp tại bến mà hành khách phải đăng ký qua điện thoại, sau đó, công ty hẹn ngày đến quầy vé lấy vé. Nhưng với hình thức này, lượng hành khách tập trung về quầy cũng gây cảnh chen lấn, mất trật tự. Đơn cử như sáng qua (13-1), hàng chục người sau khi lấy phiếu chờ đến lượt lấy vé chen nhau la lối rất ồn ào. Nhiều người cho rằng, các đơn vị vận tải không muốn bán vé những ngày cận tết, nhất là 5 ngày sát tết để họ tăng giá vé cao hơn giá công bố bán thực tế như hiện nay!? Tình trạng khan hiếm vé xe chất lượng cao đi về các tuyến trên đã gây khó khăn không ít cho các hành khách có nhu cầu đi lại trong những ngày giáp tết.

Giá vé tăng 100%

Từ mấy ngày qua, giá vé xe chất lượng cao đi các tỉnh miền Trung xuất phát tại Bến xe miền Đông đã đồng loạt tăng giá với mức tăng cao nhất lên đến gấp đôi, thậm chí có đơn vị tăng gấp 200% so với ngày thường. Cụ thể doanh nghiệp vận tải hành khách Phi Hiệp, Hoàng Long, Trần Hòa… mỗi vé khoảng 240.000 – 400.000 đồng tùy chất lượng xe. Đơn cử như doanh nghiệp Phi Hiệp, ngày thường giá vé khoảng 200.000 đồng/vé, tuy nhiên kể từ ngày 24 đến 30 tháng chạp tăng lên 440.000 đồng/vé. Với giá vé như vậy đơn vị này đã tăng trên 100%. So với giá vé giường nằm của tàu lửa (giường nằm tầng 3 dưới 1 triệu đồng/vé), giá vé giường nằm của Hoàng Long tuyến Bến xe miền Đông - Hà Nội đã cao hơn, tức là 1.190.000 đồng/vé. Riêng đối với doanh nghiệp Trần Hòa chạy tuyến TPHCM - Quảng Nam thì khỏi phải bàn. Họ bất chấp dư luận tăng hơn 200%. Giá vé ngày thường khoảng 200.000 đồng/vé, nay tăng đến 600.000 đồng/vé. Bến đã đình chỉ đơn vị này bán vé xe tết đến khi nào có bản báo cáo giá hợp lý mới được bán vé.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, sở dĩ có tình trạng hết vé là do hành khách chuộng loại xe thương hiệu, có chất lượng cao, còn xe của các đơn vị ủy thác phần lớn chất lượng bình thường nên ít được chọn. Về việc các doanh nghiệp bán vé vượt quá 60%, thậm chí 200% bến xử lý như thế nào? “Bến cũng chỉ là một doanh nghiệp, nếu các đơn vị vi phạm điều khoản gì so với hợp đồng đã ký thì căn cứ vào đó mà xử phạt”, ông Hải cho biết.

Liệu có thiếu xe tết? Ông Hải khẳng định, đảm bảo 100% là không thiếu xe. Có khoảng 400 xe tăng cường để chạy tết, trong đó có 200 xe của Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) và 200 xe buýt của Liên hiệp HTX vận tải TPHCM.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông, các doanh nghiệp vận tải tự xây dựng và kê khai giá cước nhưng không được vượt quá 60% giá cước áp dụng đối với ngày thường. Đồng thời phải cung cấp hồ sơ kê khai giá cước đã thông qua cơ quan quản lý thuế, niêm yết giá cước trên quầy vé đúng quy định theo từng thời điểm phục vụ. Nếu đơn vị nào bán cao hơn 60%, bến kiến nghị Sở GTVT xử lý ngay.

  • Các tuyến từ Thừa Thiên - Huế ra phía Bắc:

Phụ thu 40% từ ngày 21-12 đến hết ngày 23-12 Âm lịch.

Phụ thu 60% từ ngày 24-12 đến hết ngày 30-12 Âm lịch.

Phụ thu 20% từ mùng 1 đến hết mùng 3 Tết.

  • Các tuyến từ tỉnh Ninh Thuận đến Đà Nẵng và các tuyến khu vực cao nguyên:

Phụ thu 40% từ ngày 21-12 đến hết ngày 23-12 Âm lịch.

Phụ thu 60% từ ngày 24-12 đến hết ngày 30-12 Âm lịch.

Phụ thu 20% từ mùng 1 đến hết mùng 3 Tết.

  • Các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng:

Phụ thu 60% từ ngày 24-12 đến hết ngày 30-12 Âm lịch.

Phụ thu 20% từ mùng 1 đến mùng 3 Tết.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực