Các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn

Thứ năm, 14/01/2010 10:10

  
                   Ảnh: Internet 

Các địa phương trong cả nước đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn cho cây trồng, đặc biệt là lúa.

Tại Kiên Giang, để có nguồn nước tưới cho hàng ngàn ha lúa bị khô hạn, thời gian qua, nông dân trong tỉnh đã khoan hàng trăm giếng nước ngầm và tận dụng tất cả nguồn nước ngọt dự trữ trong các ao hồ bơm tưới cho cây lúa. Tuy nhiên giải pháp này cũng chỉ đáp ứng đủ nguồn nước cho các cánh đồng gần, còn với các cánh đồng sâu thì phải chấp nhận chịu khô hạn, vì nguồn nước từ các giếng khoan không đủ sức vươn tới.

Nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, các nhà chuyên môn khuyến cáo cần cân nhắc khi sản xuất vụ lúa đông xuân muộn, đặc biệt hạn chế gieo trồng vụ lúa này trên nền vụ lúa lấp vụ (thu đông) khi vừa gặt xong hoặc gieo trồng trên các cánh đồng sâu nơi không tiếp nhận được nguồn nước tưới.

Do nắng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sớm nên hiện nay, tại vùng U Minh Thượng, Kiên Giang đang có hàng ngàn ha lúa lấp vụ trên nền hè thu và lúa đông xuân bị khô hạn vì thiếu nước tưới; trong đó có gần 2.000ha có nguy cơ bị mất mùa hoặc mất trắng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, chỉ riêng 2 huyện An Biên và U Minh Thượng có khoảng 10.000 ha lúa lấp vụ trên nền hè thu và lúa Đông Xuân gieo trồng muộn đang chịu ảnh hưởng khô hạn, trong đó có 50% diện tích đang phát triển từ 30 – 60 ngày tuổi. An Biên là địa phương có diện tích đông xuân bị khô hạn nặng nhất, hiện có khoảng 1.300ha đang đứng trước nguy cơ mất mùa và 200ha bị mất trắng.

Tại tỉnh Điện Biên, ngành nông nghiệp đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm; tích cực tích nước tại các hồ thuỷ lợi nhằm chuẩn bị chống chọi với một năm sản xuất được dự báo khô hạn do khí hậu có nhiều chuyển biến bất thường...

Theo ông Đào Quang Chiến, Giám đốc Công ty Quản lý thuỷ nông Điện Biên cho biết: Nhờ chuẩn bị tốt nên đơn vị đã chủ động đón những cơn mưa vào cuối năm 2009 và đầu năm nay để tích nước tại 7/8 hồ thuỷ lợi trên địa bàn. Hiện các hồ này đều đạt 100% dung tích so với thiết kế với gần 45 triệu m3. Một hồ chứa khác là Huổi Phạ với dung tích thiết kế gần 3 triệu m3 đang được đầu tư sửa chữa và dự kiến sớm đưa vào sử dụng trong quý 2 năm nay. Hiện nay, Công ty Quản lý thuỷ nông Điện Biên đang thực hiện giải pháp điều tiết mở nước tại các hồ chứa theo từng thời điểm thích hợp để chống thất thoát nước. Bên cạnh đó, đảm bảo đưa nước đến tận các chân ruộng, thời gian qua, Công ty Quản lý thuỷ nông Điện Biên đã đầu tư hàng chục tỷ đồng bê tông hoá hàng chục km kênh mương tại các xã Thanh An, Noong Hẹt, Thanh Xương của huyện Điện Biên. Đến nay, trong tổng số gần 160 km kênh mương do đơn vị quản lý có trên 110 km kênh mương được bê tông hoá; 80% diện tích với gần 2.500 ha đất sản xuất của cánh đồng Mường Thanh được đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất.

Công ty Quản lý thuỷ nông Điện Biên cùng với các cấp chính quyền đã hướng dẫn người dân cách thức sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí như: tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới ngầm; tưới nước phù hợp với từng thời điểm sinh trưởng của cây; tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và xử lý kịp thời các điểm kênh mương bị nứt, thấm.../. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực