Chỉ xét nghiệm hành khách đi tàu từ địa bàn cấp độ dịch 4

Thứ năm, 21/10/2021 09:26
(ĐCSVN) – Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quyết định tăng thêm số tuyến tàu và số ga tàu được phép đón trả khách. Đồng thời cũng quy định chỉ hành khách đi tàu từ địa bàn cấp độ 4 mới cần làm xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ảnh minh họa. 

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông ký Quyết định số 1839 ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19. Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 21/10/2021.

Quy định phòng chống dịch theo 4 cấp độ đối với hành khách khi đi tàu hỏa

Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, việc phân loại cấp độ dịch như sau: Cấp 1 -  Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; Cấp 2 - Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; Cấp 3 - Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; Cấp 4 - Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Liên quan đến việc xét nghiệm y tế, đối với tất cả các cấp độ dịch, Bộ GTVT chỉ yêu cầu xét nghiệm hành khách một trong các trường hợp sau: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế, theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng  nguyên  nhanh  âm  tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ  thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.

Đáng chú ý, đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4: Ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trên, hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu…

Ngoài ra, khi ở trên tàu, hành khách phải thường xuyên đeo khẩu trang; sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc; không đi lại từ toa này sang toa khác, hạn chế đi lại trong toa; giữ vệ sinh chung, xả rác đúng nơi quy định.

Về bố trí khách trên tàu, hành khách đi tàu đến từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 được bố trí vận chuyển bằng toa xe riêng. Sau khi xuống tàu, ra ga phải có lối đi riêng hoặc tách nhóm với hành khách đi tàu từ địa phương/khu vực có nguy cơ thấp hơn để hạn chế tiếp xúc; tuân thủ "Thông điệp 5K".

Còn đối với hành khách đi từ các địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 1, cấp 2, thực hiện theo các quy định phòng dịch chung đối với tất cả các hành khách là: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; Khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế; Kê khai thông tin, hoàn thành bản cam kết tại ga xuất phát.

Trong quá trình di chuyển từ ga về nơi cư trú, lưu trú cần tuân thủ "Thông điệp 5K", sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú; tự theo dõi sức khoẻ hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương;

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Tăng thêm nhiều ga tàu được đón trả khách

Bộ GTVT cũng quy định về sức khỏe đối với ban lái máy, gồm: lái tàu, phụ lái tàu), tổ tàu (gồm: trưởng tàu và nhân viên công tác trên tàu sẽ phải thực hiện xét nghiệm y tế khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở; Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện; Xét nghiệm ngẫu nhiên đối với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao theo kế hoạch phòng, chống dịch của đơn vị.

Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu một trong các trường hợp sau: Trường hợp có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa). Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.

Về phương án chạy tàu từ ngày 21/10, hướng dẫn của Bộ GTVT quy định, trên tuyến Hà Nội -  Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chạy tối đa không quá 4 đôi tàu/ngày đêm từ Hà Nội đi TP.HCM.

Trên khu đoạn Hà Nội - Vinh chạy 1 đôi tàu/ ngày đêm; Khu đoạn Sài Gòn - Đà Nẵng chạy 1 đôi tàu/ngày đêm. Còn trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy tối đa 3 đôi tàu/ngày đêm.

Các ga được phép đón, trả khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng: Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái và Hải Phòng.

Các ga được phép đón, trả khách trên tuyến Hà Nội - TP.HCM: Hà Nội, Giáp Bát, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Minh Khôi, Chợ Sy, Vinh, Yên Trung, Hương Phố, Đồng Lê, Minh Lệ, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Trà Kiệu, Tam Kỳ, Núi Thành, Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bồng Sơn, Diêu Trì, La Hai, Tuy Hòa, Giã, Ninh Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Sông Mao, Bình Thuận, Suối Kiết, Long Khánh, Biên Hòa, Dĩ An, Sài Gòn./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực