Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực cho giảm nghèo thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia trọng điểm. Đặc biệt là Chương trình giảm nghèo 135/30a giai đoạn từ 2006-2012 phát triển cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) và gần đây là Chương trình 135-III (giai đoạn đến 2020) đã và đang tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, với phân cấp quản lý cho các xã làm chủ đầu tư... Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của cộng đồng trong lập kế hoạch, thực hiện và giám sát thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế - xã hội địa phương là vấn đề còn nhiều hạn chế. Các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… ở các địa phương chưa thể hoàn toàn đảm nhận được vai trò đầy thách thức trong việc huy động sự tham gia của người dân, để đưa ra quyết định, cũng như thúc đẩy cộng đồng tham gia thực hiện hiệu quả chính sách, hợp tác xây dựng chính sách của Chương trình 135/30a.
Theo ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN), trong năm 2014 và 2015, dưới sự tài trợ của Quỹ VCSF (Đại sứ Quán Ai Len), Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc của 2 tỉnh Thanh Hóa & Cao Bằng đã thực hiện thí điểm Mô hình “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội nhằm tăng cường sự tham gia thực hiện Chương trình135-III” gọi tắt là Dự án CP135. Dự án có quy mô nhỏ và chỉ thí điểm thực hiện được trên một địa bàn khá khiêm tốn tại 12 xã của Thanh Hóa và Cao Bằng.
Hội thảo Dự án “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy sự tham gia trong chương trình 135-III” là cơ hội tốt để các đại biểu tham gia cùng nhau chia sẻ kết quả và kinh nghiệm thực hiện các mô hình về đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển sinh kế và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng mà dự án đã thực hiện. Hội thảo có sự tham dự của Đại diện Sứ quán Ai-len, một số tổ chức quốc tế, Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo Ban dân tộc 2 tỉnh Cao Bằng & Thanh Hóa cùng lãnh đạo các Phòng Dân tộc của 4 huyện và 12 xã liên quan cộng với đại diện một số thành viên Mạng CIFPEN.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi rất sôi nổi nhiều nội dung thiết thực: Nâng cao năng lực (NCNL) cho các tổ chức phi chính phủ để đào tạo đội ngũ Giảng viên Nguồn (gọi là TOT) của Mạng lưới, để từ đó nhân rộng việc đào tạo NCNL cho đại diện của các tổ chức cộng đồng. Trên cơ sở “Cầm tay chỉ việc” - định dạng những vấn đề cơ bản dưới hình thức đơn giản để cộng đồng có thể thực hành tốt nhất các kiến thức được NCNL.
Nhiều đại biểu đã đồng tình cao với nhận định rằng, thực tế đã cho thấy tình trạng tái nghèo vẫn đã và đang trở nên với nhiều thách thức. Do đó, Dự án CP135 đã phát triển cách tiếp cận mới nhằm giúp cộng đồng nhận biết và phát huy 6 nguồn lực cơ bản sẵn có của cộng đồng để phát triển sinh kế hiệu quả, gồm: Vốn nhân lực, vốn tự nhiên/tài nguyên thiên nhiên như đất đai, khí hậu, nguồn nước, sông ngòi, rừng núi, khoáng sản, động thực vật hiện hữu và do cộng đồng đang được làm chủ; Vốn vật chất /những cơ sở vật chất trong cộng đồng: đường giao thông, trạm điện, trường học, công sở, kênh mương; các phương tiện sản xuất, giao thông liên lạc, năng lượng; nhà cửa của người dân; Vốn tài chính: Gồm các nguồn tài chính của cá nhân và các tổ chức, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong cộng đồng hoặc ngoài cộng đồng mà có mối liên hệ với cộng đồng; Vốn xã hội: bao gồm những mối quan hệ giữa con người. Đó là các nhóm, tổ chức, thể chế và các mối quan hệ giữa các tổ chức và cá nhân, giữa cá nhân và cá nhân; Vốn Văn hóa: Bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái… Cách tiếp cận này nhằm từng bước thúc đẩy cộng đồng có thể tự chủ để phát huy và làm chủ được những nguồn lực sẵn có của mình, đồng thời có đủ năng lực để phát huy được nguồn nội lực trong các chương trình phát triển. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ giúp cộng đồng tự chủ động phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập và tự giảm nghèo trong xu thế hội nhập.
Ngoài ra, Dự án còn nâng cao sự chủ động của người dân và cộng đồng trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy cộng đồng tập dượt việc tự lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch phát triển cộng đồng dựa vào chính nội lực của mình. Minh chứng là qua việc thí điểm của việc sử dụng nguồn “vốn hạt giống”, từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, hầu hết cộng đồng 12 xã dự án đã tự huy động thêm nguồn nội lực và đã thực hiện được các hoạt động có tổng ngân sách lớn hơn nhiều so với ngân sách hỗ trợ từ Dự án giúp nâng cao nhận thức và trình độ quản lý nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu thiết thực nhất của người dân. Bản thân người dân cũng thay đổi được nhận thức quan trong trong cách nhìn “Công trình là của chính mình chứ không phải là công trình của chương trình 135”, bên cạnh việc tự đảm bảo chất lượng công trình, cộng đồng sẽ có trách nhiệm duy tu bảo vệ công trình, thay đổi được cái nhìn sai lệch “của chùa” đối với các công trình được xây dựng từ nguồn vốn công.
Thông qua Hội thảo lần này, Ban Tổ chức mong muốn kết quả thí điểm của Dự án sẽ được vận dụng để giúp cộng đồng đủ năng lực để để thực hiện Chương trình Giảm nghèo 135 hiệu quả. Kiến thức được cải thiện này sẽ thực sự trở thành nguồn vốn cho phát triển bền vững./.