Chia sẻ khó khăn với phụ nữ nghèo, khuyết tật trong việc tiếp cận vệ sinh

Thứ năm, 19/11/2020 17:00
(ĐCSVN) - Hội thảo tham vấn giải pháp và vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 19/11 tại Hà Nội nhằm chia sẻ những khó khăn, rào cản đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật trong việc tiếp cận vệ sinh

Hưởng ứng ngày Nhà vệ sinh thế giới 19/11, trong các ngày 19-20/11, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đông Tây hội ngộ, các đối tác trung ương và địa phương tổ chức chuỗi hoạt động về vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Hội thảo tham vấn giải pháp và vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nhằm chia sẻ những khó khăn, rào cản đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật trong việc tiếp cận vệ sinh; nhu cầu xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; trong đó có việc triển khai dự án Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ (WOBA); dự kiến định hướng của Hội LHPN Việt Nam về hoạt động này trong giai đoạn 2021-2025. 

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho mọi người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động đến sức khỏe con người và môi trường sống xung quanh. Từ năm 2013, ngày 19/11 được Liên hợp quốc chọn là Ngày Nhà vệ sinh thế giới, với mong muốn mọi người trên thế giới nhớ đến tầm quan trọng của việc sử dụng nhà vệ sinh, đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, các đối tượng yếu thế. Tiếp cận nước và cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người cũng đã được đưa vào mục tiêu số 6 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của các quốc gia Liên hợp quốc.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Đến nay, việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch đã được Chính phủ cam kết thực hiện trong nhiều văn bản như Kế hoạch thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đến năm 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn; các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới nhằm tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với từng địa phương, vùng miền, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích, tầm quan trọng của việc xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cộng đồng. 

Bà Trần Thị Hương cho biết, trong nỗ lực chung của các cấp, các ngành, những năm qua Hội LHPN Việt Nam luôn coi trọng chỉ đạo triển khai các hoạt động về nước sạch vệ sinh và đảm bảo ba sạch là “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” trong cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Nội hàm của “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” đã được Trung ương Hội hướng dẫn, định hướng để các địa phương cụ thể hóa, trong đó có 1 nội dung cốt lõi là các gia đình đảm bảo có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch. 

Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo về vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đã được các cấp Hội thực hiện, nhiều cán bộ Hội đã không quản khó khăn, đi từng ngõ, vào từng nhà để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Điển hình là từ năm 2010, Hội đã phối hợp với tổ chức Đông Tây hội ngộ thực hiện các dự án về cải thiện vệ sinh, trong đó có dự án Cải thiện vệ sinh Cộng đồng dựa trên kết quả (CHOBA) đã vận động được gần 200.000 hộ gia đình tại 10 tỉnh xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sang năm 2018 bắt đầu thực hiện Cải thiện vệ sinh và Nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ (WOBA) với cách làm hiệu quả, khuyến khích được sự tham gia của người dân với các gói thưởng dựa trên kết quả đầu ra và vận động chính quyền vào cuộc, cam kết đối ứng thực hiện. Bên cạnh đó, với nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dù chưa nhiều, nhưng hằng năm, Trung ương Hội và Hội LHPN một số tỉnh cũng đã nỗ lực, kiên trì tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và hỗ trợ phụ nữ xây dựng, sử dụng nhà tiêu... Đây là hoạt động tiên phong trong lĩnh vực đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, người khuyết tật. Những nỗ lực của các cấp Hội trong lĩnh vực này đã được Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức và chính quyền địa phương đánh giá cao.  

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy trên thế giới và ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều người chưa được tiếp cận với điều kiện vệ sinh an toàn: khoảng 4,2 tỷ người trên thế giới (theo số liệu UNICEF năm 2017) và khoảng 18 triệu người Việt Nam (số liệu Bộ Y tế năm 2018). Thách thức này đang tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng đặc biệt phụ nữ, trẻ em. Để tăng tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo đến năm 2030 có 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh theo Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Chương trình nghị sự đến 2030, cần tiếp tục có sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức với các hoạt động thiết thực, cụ thể. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức với mong muốn có sự đồng hành, ủng hộ, hợp tác về kỹ thuật và nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp trong việc đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho mọi người đặc biệt phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật giai đoạn 2021-2025, bà Hương nói.

Nhà vệ sinh hỗ trợ cho phụ nữ khuyết tật là một trong những kết quả mà Dự án WOBA triển khai thời gian qua 

Tại Hội thảo, bà Hạnh Nguyễn, Giám đốc Quốc gia của Đông Tây Hội ngộ thông tin, từ năm 2018 đến nay, với nguồn viện trợ của Quỹ nước sạch cho phụ nữ, Bộ Ngoại giao Thương mại Australia, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với tổ chức Đông Tây hội ngộ, các đối tác trung ương và địa phương thực hiện Dự án Cải thiện Vệ sinh và Nước sạch dựa trên kết quả đầu ra do phụ nữ làm chủ (WOBA) tại 5 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre. Qua đó, hơn 9.100 hộ nông thôn, chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ đơn thân và khuyết tật được vận động xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận với nước sạch. Ngoài ra, 980 hộ nghèo yếu thế, khoảng 50,000 trẻ mầm non và 173 trạm y tế xã cũng nhận được hỗ trợ thiết bị rửa tay với xà phòng phòng dịch COVID-19 từ dự án.

Trong năm 2020, Việt Nam hứng chịu tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là người dân tại các tỉnh khu vực miền Trung phải hứng chịu thêm những hậu quả nặng nề của thiên tai bão lũ lịch sử, do vậy vấn đề vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch nhằm phòng, chống dịch bệnh là một trong những vấn đề cấp bách hàng đầu. 

Trước thực tế này, tổ chức Đông Tây hội ngộ, với sự hỗ trợ từ các cộng tác viên của Hội Phụ nữ trong Dự án cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ WOBA đang xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục hợp tác cùng các đối tác địa phương để đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho cộng đồng gặp khó khăn cũng như giảm thiểu rủi ro thiên tai, an toàn cấp nước hướng tới phát triển bền vững.

Ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo là nguồn tham khảo để Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, xây dựng văn bản đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, và UBND các tỉnh về các giải pháp quan tâm, đầu tư hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật. Đồng thời, cũng là cơ sở để Hội xây dựng kế hoạch vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh giai đoạn 2021-2025 của Hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Theo nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới và Unicef năm 2015, trên thế giới: trung bình có 2.300 người chết mỗi ngày vì các bệnh do nguồn nước không an toàn và điều kiện vệ sinh không đầy đủ gây ra. Hơn 1.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do bệnh tiêu chảy bắt nguồn từ sử dụng vệ sinh kém và nước uống không an toàn.

Tại Việt Nam, dịch vụ vệ sinh hạn chế, nước uống không an toàn và thực hành vệ sinh kém là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và bệnh tật nhất là ở trẻ em. Trẻ em dưới 5 tuối sống tại các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh bị thấp còi hơn (3.7cm) so với trẻ em sống tại các cộng đồng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Các bệnh tiêu chảy và viêm phổi, chiếm gần 1/3 số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam. Thiệt hại về kinh tế hàng năm do vệ sinh kém lên tới 780,1 triệu USD tương đương 1,3% GDP, và gần bằng một nửa ngân sách của ngành y tế hàng năm (2,79% GDP năm 2009, Theo Ngân hàng thế giới). 

Gia Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực