Chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đối với người khuyết tật

Thứ năm, 24/12/2020 16:13
(ĐCSVN) - Quyền của người khuyết tật (NKT) được quy định tại Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT, Hiến pháp 2013, Luật Người khuyết tật 2010 và nhiều Luật chuyên ngành khác, khẳng định NKT hoàn toàn được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội...

Ngày 24/12, Hội người mù Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm đối với người khuyết tật.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch hoạt động dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lí về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho người khuyết tật” của Hội Người mù Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Oxfam.

leftcenterrightdel
Cả nước có 7% dân số 2 tuổi trở lên (khoảng 6,2 triệu người) là người khuyết tật.
Ảnh minh họa (Nguồn: CPV) 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết, theo Điều tra quốc gia về NKT năm 2016 – 2017 của Tổng cục Thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,09% dân số. Quyền của NKT đã được quy định tại Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT, Hiến pháp 2013, Luật Người khuyết tật 2010 và nhiều Luật chuyên ngành khác, khẳng định NKT hoàn toàn được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, được hỗ trợ tạo việc làm, trợ giúp pháp lý…

“Nhờ sự quan tâm của nhà nước và cộng đồng, cùng với sự nỗ lực của bản thân, nhiều NKT đã có cơ hội học văn hóa, học nghề, có việc làm với các ngành nghề khác nhau để xây dựng cuộc sống tự lập và vươn lên hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội” – ông Phạm Viết Thu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông, do nhận thức về chính sách, pháp luật của bản thân NKT và cộng đồng, trong đó có người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục, y tế, các cơ quan, tổ chức liên quan còn hạn chế nên quyền của NKT trong lĩnh vực lao động, việc làm còn chưa được thực thi đầy đủ. Việc tiến hành các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục đối với NKT còn có những khó khăn, vướng mắc. Tỉ lệ NKT được học văn hóa, học nghề, có việc làm nhìn chung còn thấp…

Ông Phạm Viết Thu cho biết, hiểu rõ những hạn chế nêu trên, Hội Người mù Việt Nam xây dựng dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lí về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho người khuyết tật”. Thông qua các hoạt động của dự án nhằm nâng cao nhận thức, tư vấn và hỗ trợ pháp lý về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực nêu trên cho NKT (nhất là những dạng khuyết tật khó khăn về tiếp cận như: người khiếm thị, khiếm thính), gia đình trẻ khuyết tật, người sử dụng lao động là NKT, nhân viên y tế, cán bộ giáo dục và những người liên quan; xây dựng câu lạc bộ, diễn đàn, địa chỉ trợ giúp, tư vấn pháp lí (trực tiếp và qua hotline, tạp chí và Cổng thông tin điện tử), đồng thời, đóng góp ý kiến xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực nêu trên.

 Dự án được thực hiện tại Hà Nội, nơi có địa bàn rộng lớn, với số người khuyết tật đông (98.742 người), xuất thân từ thành phố và nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số; tham gia học tập, khám chữa bệnh, làm việc với nhiều ngành nghề khác nhau. Sau khi dự án kết thúc, các câu lạc bộ pháp luật và địa chỉ trợ giúp, tư vấn pháp lí sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển, đồng thời, các mô hình và kinh nghiệm rút ra từ dự án cũng sẽ được chia sẻ, nhân rộng cho các địa phương khác trên phạm vi toàn quốc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe cán bộ thuộc các Cục, Vụ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phổ biến chính sách giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật; chính sách hỗ trợ vay vốn dành cho NKT; những quy định đối với lao động khuyết tật trong Bộ Luật lao động và Luật Việc làm…/.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực