COVID-19 khiến 3 chương trình đưa lao động đi nước ngoài không đạt kế hoạch

Thứ sáu, 08/01/2021 14:40
(ĐCSVN) - Dịch bệnh COVID-19 khiến 3/5 chương trình đưa người lao động đi học tập và làm việc ở nước ngoài không đạt kế hoạch đề ra; số lượng lao động bị hủy hợp đồng gia tăng; số lượng lớn lao động hết hạn hợp đồng chưa về được do chưa có chuyến bay…
 Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Đây là thông tin được ông Hà Xuân Tùng – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Trung tâm Lao động ngoài nước vừa được tổ chức.

COVID -19 khiến chỉ tiêu xuất cảnh của 3 chương trình thấp

Theo ông Hà Xuân Tùng, năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các chương trình đưa người lao động đi học tập và làm việc ở nước ngoài của Trung tâm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan, tập thể cán bộ, viên chức của Trung tâm Lao động ngoài nước đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, một số chỉ tiêu, kế hoạch công tác đạt kế hoạch như: Công tác tuyển chọn các Chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS), đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan), đưa người lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại CHLB Đức đạt theo yêu cầu, kế hoạch của các đối tác; Xuất cảnh Chương trình Đức đạt và vượt kế hoạch 106,3%; Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước tính đến 28/2/2020 đạt 23,45%, thấp hơn mức cam kết với phía Hàn Quốc trong năm 2020 (28%); Kết quả chi trả bảo hiểm cho người lao động EPS về nước năm 2020 tăng gần 40% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác tiếp tục được triển khai ngày càng công khai, minh bạch; công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đột phá (cải cách thủ tục đăng ký, tiếp nhận hồ sơ, thi tuyển; triển khai phần mềm lấy dấu vân tay, hình ảnh; ứng dụng app kết nối,...); phối hợp tổ chức thành công các kỳ thi tiếng Hàn và đánh giá năng lực dành cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc không để xảy ra sai sót, an toàn được đảm bảo tuyệt đối...

Tuy nhiên, theo ông Hà Xuân Tùng, do ảnh hưởng khách quan của tình hình dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai nhiệm vụ của Trung tâm Lao động ngoài nước năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn. Đó là, thị trường Hàn Quốc chưa tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cảnh, thị trường Nhật tiếp nhận hạn chế. Đáng chú ý, các chỉ tiêu xuất cảnh của 3/5 chương trình thấp, không đạt kế hoạch đề ra: Chương trình IM Japan đạt 48,6%; Chương trình EPS đạt 7,45%; Chương trình Đài Loan: 5%. Ngoài ra, kết quả đào tạo Chương trình Đức năm nay chỉ đạt 56,4%, trong khi các năm trước đều đạt từ 70 đến 80%.

Cùng với đó, số lượng lao động bị hủy hợp đồng gia tăng; số lượng lớn lao động hết hạn hợp đồng chưa về được do chưa có chuyến bay; số lượng ứng viên đăng ký tham gia các chương trình giảm do tâm lý e ngại dịch bệnh; MOU Chương trình Hàn Quốc đã được hai Bộ cơ bản thống nhất từ tháng 03/2020, nhưng đến nay chưa triển khai ký kết...

Xây dựng 2 kịch bản

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan trên phạm vi toàn cầu, đã ảnh hưởng lớn đến công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam và phải đối mặt với nhiều khó khăn, không đạt chỉ tiêu đề ra. Bộ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; ổn định an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2021, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước cần quan tâm theo dõi, dự báo nắm sát tình hình thị trường lao động để có điều chỉnh chính xác, hợp lý trong phương hướng, nhiệm vụ. Đặc biệt, cần xây dựng 2 kịch bản trong điều kiện dịch bệnh được khống chế và dịch bệnh chưa được khống chế để có những phương án và giải pháp đối với lao động đã trúng tuyển chưa thể xuất cảnh hay lao động hết hạn hợp đồng gặp khó khăn về nước...

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhận định, sau khi dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu sử dụng nhân lực nước ngoài của các nước phát triển trên thế giới là rất lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực thì chúng ta phải chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn từ thời điểm này.

 “Trong thời gian chờ đợi, những lao động này có thể tiếp tục trau dồi thêm ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa của đất nước mà mình sẽ đến làm việc, ngoài ra các bạn sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước nếu có nhu cầu” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực