Cùng hành động phòng, chống mua bán người

Thứ sáu, 29/07/2022 16:20
(ĐCSVN) – Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, tình trạng mua bán người vẫn đang tiếp diễn, ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Loại hình tội phạm này đang trực tiếp xâm hại đến tính mạng, danh dự của con người; gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội và cần bị loại bỏ.

Từ năm 2013, Liên hợp quốc chọn ngày 30/7 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”, coi đây như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân để từ đó, thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người được tổ chức hàng năm nhằm mục đích giáo dục mọi người rằng buôn bán người được coi là một tội ác, bao gồm cả việc bóc lột phụ nữ và trẻ em cho những công việc tồi tệ như cưỡng bức lao động và tình dục.

Chủ đề ngày Thế giới phòng chống mua, bán người năm nay (30/7/2022) tập trung vào vai trò của công nghệ như một công cụ có thể kích hoạt và ngăn chặn nạn mua, bán người. Với sự mở rộng toàn cầu trong việc sử dụng công nghệ - có xu hướng gia tăng bởi đại dịch COVID-19 và xu hướng chuyển đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta sang các nền tảng trực tuyến, tội phạm mua, bán người đã xâm chiếm không gian mạng. Internet và các nền tảng kỹ thuật số cung cấp cho những kẻ mua, bán người nhiều công cụ để tuyển dụng, khai thác và kiểm soát nạn nhân; tổ chức phương tiện đi lại và ăn ở của họ; giới thiệu nạn nhân (gồm cả các tài liệu, ảnh về trẻ em) và tiếp cận khách hàng tiềm năng; giao tiếp giữa các đối tượng mua, bán người; che giấu số tiền bất chính thu được từ các hành vi này.  

Việt Nam – thành viên trách nhiệm trong phòng, chống mua, bán người

leftcenterrightdel
Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. (Ảnh: Minh Hiền) 

Để hạn chế nhiều hệ luỵ từ các hành vi mua, bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được chú trọng từ lâu. Kể từ khi Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2/2021, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. Trong đó, nỗ lực nổi bật nhất là việc các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người được ban hành một cách kịp thời, hiệu quả.

Với việc ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức hỗ trợ dành cho nạn nhân của hành vi mua, bán người đã được điều chỉnh theo hướng tăng số tiền ăn dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng nhằm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu của nạn nhân phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư 43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

Ngày 18/7/2022, các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đây không những là một hành động thiết thực hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7 mà còn là một dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phối hợp triển khai việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Việc ban hành Quy chế đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Trong thời gian qua, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai công tác phòng, chống mua bán người, nhưng Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình. Trong đó, để đảm bảo tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án (bao gồm vụ án mua bán người), Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Tòa án các cấp lên lịch xét xử, giải quyết các vụ việc kể cả vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật để bảo đảm tiến độ, thời hạn giải quyết; tổ chức thuê phòng họp, bố trí phòng xét xử đáp ứng đủ điều kiện trong trường hợp không có đủ phòng họp, phòng xét xử; ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ việc chuẩn bị hết thời hạn xét xử, giải quyết. Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến (có hiệu lực từ 01/01/2022).

Bên cạnh việc hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan, công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu và tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng chống mua bán người; chuẩn bị cho Hội nghị liên Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê - Kông mở rộng về phòng, chống mua bán người (COMMIT) và họp Ban chỉ đạo COMMIT khu vực theo đề xuất của Chính phủ vương quốc Thái Lan... Công an, Biên phòng các tỉnh có biên giới đất liền đã phối hợp với lực lượng chức năng của phía Trung Quốc, Lào, Campuchia duy trì giao ban thường xuyên, thiết lập đường dây nóng để chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Cảnh giác trước tội phạm mua bán người “núp bóng” dưới các thủ đoạn tinh vi

leftcenterrightdel
Lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị chức năng tuần tra ở các tuyến biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. (Ảnh: cand.com) 

Trong sáu tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook); cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài… Đáng chú ý, các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do nước ngoài điều hành. Các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh suy thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính. Một thủ đoạn tinh vi khác được các đối tượng áp dụng đó là lập hội, nhóm kín “Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi; dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển, nhiều trường hợp bị cưỡng bức lao động.

Trong thời gian qua, triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030, các Bộ, cơ quan, địa phương cơ bản đã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp được giao và thu được những kết quả nhất định trong công tác phòng chống mua, bán người. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người (theo Điều 150 và Điều 151 Bộ Luật Hình sự); trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ, tạm đình chỉ điều tra 01. Số nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 66 nạn nhân (gồm: 26 nam, 40 nữ; dưới 16 tuổi là 06 nạn nhân, trên 16 tuổi là 60 nạn nhân). Điển hình, cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an xác lập, đấu tranh Chuyên án mua bán người dưới 16 tuổi, bắt 06 đối tượng, giải cứu 02 nạn nhân. Công an thành phố Hà Nội điều tra, khám phá 02 vụ mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, bắt 7 đối tượng, giải cứu 4 nạn nhân, trong đó có 1 cháu bé sơ sinh 3 ngày tuổi. Công an Đồng Nai bắt 4 đối tượng lừa bán 4 nạn nhân sang Campuchia. Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã xác lập, đấu tranh 04 chuyên án về tội phạm mua bán người; khởi tố 03 vụ/07 đối tượng, giải cứu 08 nạn nhân… Gần đây nhất vào cuối tháng 6 đầu tháng 7/2022, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng giải cứu, nhanh chòng đưa về nước an toàn 07 công dân bị mua bán sang Campuchia nhằm mục đích cưỡng bức lao động, kịp thời phục vụ công tác xử lý đối tượng cũng như góp phần giải quyết triệt để tình trạng người Việt Nam bị đưa sang Campuchia lao động cưỡng bức - một vấn đề đang gây nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của con người.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khoảng trống trong quá trình triển khai thực hiện như: Chưa thống kê số liệu phòng, chống mua bán người theo biểu mẫu chung (số liệu được phân tách); chưa có cơ chế phối hợp liên ngành về xác định nạn nhân mua bán người trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; kinh phí dành cho công tác phòng, chống mua bán người ở một số nơi còn chưa đầy đủ…

Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Trước thực tế đó, chúng ta cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người theo Chương trình hiện nay, với những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2022, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người. Tham mưu Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành hệ thống tiêu chí, biểu mẫu thống kê phòng, chống mua bán người và tổ chức tổng kết chủ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại 08 địa phương (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Cần Thơ, Tây Ninh).

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022, tổ chức Lễ ký kết và triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao về phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời triển khai quyết liệt các mặt công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người và triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc (thời gian từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 30/9/2022). Tiếp tục triển khai hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người trong nội địa.../.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực