Đắk Lắk nỗ lực đảm bảo việc làm trong thời điểm dịch COVID-19

Thứ năm, 25/02/2021 18:45
(ĐCSVN) – Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và những tác động không nhỏ đến nền kinh tế, song trong năm 2020 tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực, từ đó tạo nhiều chuyển biến trên lĩnh vực Lao động- việc làm và Giáo dục nghề nghiệp.
 Năm 2020, toàn tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết việc làm cho 30.200 lao động.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đắk Lắk, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 toàn ngành đã tập trung quan tâm tham mưu giúp tỉnh triển khai nhiều giải pháp đáp ứng thị trường lao động.

Trong các giải pháp đặt ra, đáng kể nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm cùng các doanh nghiệp dịch vụ việc làm của tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến, đồng thời cũng tổ chức được 09 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 09 phiên giao dịch việc làm lưu động và tiến hành Ngày hội việc làm tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tư vấn việc làm, tư vấn nghề nghiệp cho 37.000 lượt người; giới thiệu việc làm cho 15.500 lượt người, số người có việc làm sau khi giới thiệu là 6.200 người.

Các đơn vị chức năng của tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm trong nước. Theo đó đã có 3.324 dự án vay vốn giải quyết việc làm được triển khai với tổng nguồn vốn vay lên đến 293.969 triệu đồng (trong đó số người vay vốn đi làm việc ở nước ngoài 107 người, với số tiền vay 5.964 triệu đồng) và mức vay bình quân chung là 36 triệu đồng/người, đã góp phần giải quyết việc làm cho 3.324 lao động.

Song song với các pháp trên, Sở LĐTB&XH tỉnh cũng đã thu thập thông tin về nhu cầu cung lao động đối với 451.681 hộ và nhu cầu lao động đối với 670 doanh nghiệp.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, năm 2020, bên cạnh những nỗ lực trên, nhờ các yếu tố như: Tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh đạt 9,86%; số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 1.425 doanh nghiệp, tăng 375 doanh nghiệp so với năm 2019; việc huy động vốn, thu hút đầu tư một số công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: điện năng lượng mặt trời, điện gió; các khu dân cư đô thị, các dự án mở rộng, nâng cấp đường giao thông và sự chủ động tìm kiếm việc làm của người lao động… đã góp phần tạo cho bức tranh lao đông- việc làm của tỉnh có nhiều điểm sáng. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.200 người. Trong đó, việc làm tăng thêm là 16.600 lao động, xuất khẩu lao động 1.100 người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì 2,5%.

 Các lớp dạy nghề cho thanh niên tại khu vực nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Cùng với lao động và việc làm, việc giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng được Sở LĐTB&XH tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk quan tâm. Đặc biệt, các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt, đa dạng các phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động của người học; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy nghề và đem lại kết quả đáng kể gắn với thực hiện chuyển hướng tuyển sinh, đào tạo và quản lý kết quả đào tạo trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Mặt khác, các hoạt động hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp cũng được tăng cường.

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2020 tất cả 35 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh (gồm 06 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 24 trung tâm GDNN) đã tuyển mới được 32.287 học viên, học sinh, sinh viên GDNN, đạt 89,8% kế hoạch năm và bằng 91,7% so với năm 2019; số học viên, học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong năm là 23.764 người; trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 119 lớp, với 4.140 học viên, bao gồm đào tạo nghề phi nông nghiệp (50 lớp với 1.540 học viên), đào tạo nghề nông nghiệp (69 lớp với 2.390 học viên), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 60%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 19,53%.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề, năm 2020 Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh tại 55.000 hộ gia đình, 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở. Từ kết quả khảo sát này sẽ là cơ sở để tỉnh định hướng, xây dựng kế hoạch GDNN cho 5 năm tới (giai đoạn 2021-2025).

Phát huy kết quả đạt được trong năm 2020, bước vào năm 2021, toàn ngành LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk được HĐND và UBND tỉnh giao nhiều chỉ tiêu quan trọng liên quan đến công tác Lao động và việc làm. Trong đó, số lao động được giải quyết việc làm đạt khoảng 29.800 lao động (riêng xuất khẩu lao động là 1.250 lao động); tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế chiếm 60%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì 2,5%; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đạt 61%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 20,19%.

Tiến hành tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho khoảng 40.000 lượt người; giới thiệu việc làm cho 15.000 lượt người, hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 3.500 lao động, với tổng số vốn cho vay khoảng 126 tỷ đồng.

Tuyển mới học viên, học sinh, sinh viên 37.398 người, trong đó: trình độ cao đẳng: 1.760 người,  trình độ trung cấp: 2.579 người, trình độ sơ cấp: 15.955 người, đào tạo dưới 3 tháng: 17.104 người.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 6.000 học viên, trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp 4.000 học viên; đào tạo nghề nông nghiệp 2.000 học viên.

 Lớp dạy cắt may cho nữ thanh niên được các Trung tâm và cơ sở dạy nghề của tỉnh tổ chức.

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trên, năm 2021 Đắk Lắk sẽ ưu tiên thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, các nhóm lao động yếu thế, nhất là người DTTS, người khuyết tật.

Chú trọng tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động; làm tốt công tác tạo nguồn lao động, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đưa đi làm việc ở nước ngoài; có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, đình công; tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp với trọng tâm là hiện đại hóa, nâng cao chất lượng GDNN; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra; tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển DNN giai đoạn 2021- 2030, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp… gắn với kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và sau đào tạo; xây dựng các chuẩn (chuẩn đào tạo, chuẩn trường, chuẩn đội ngũ, chuẩn thiết bị đào tạo, định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đào tạo…), tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng GDNN./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực