Đảm bảo an toàn giao thông: Nhiều thách thức

Thứ sáu, 15/01/2010 09:36

  
                     Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN 

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Hồ Nghĩa Dũng, dù đã có những chuyển biến tích cực trong năm 2009 nhưng ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn là vấn đề bức xúc hàng ngày của người dân.

Nan giải nạn tắc đường

Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, năm 2009, cả nước vẫn còn tới 252 vụ ùn tắt kéo dài hơn 1 giờ, trong đó Hà Nội xảy ra 101 vụ, Thành phố Hồ Chí Minh 78 vụ.

Những hình ảnh kẹt xe, tắc đường tại hai đô thị lớn nhất của đất nước thường xuyên xuất hiện trên trên các phương tiện thông tin đại chúng và là nỗi ám ảnh bất an của những người dân thành phố mỗi khi rời nhà ra phố.

Lý giải về tình trạng này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng Hà Nội có hệ thống giao thông phức tạp đặc thù, hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông còn nhiều bất cập, lượng phương tiện giao thông nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, phương tiện quá cảnh qua thành phố nhiều, trong khi ý thức người tham gia giao thông còn thấp.

Tuy nhiên, ông Khôi thừa nhận, tình trạng ùn tắc còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ ùn tắc trong bối cảnh mật độ phương tiện giao thông đang ngày một tăng nhanh.

Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài cũng cho rằng, nạn kẹt xe, tắc đường đang là một mối bức xúc của người dân thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng ông Tài nhấn mạnh lý do cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém, hạn chế chưa theo kịp tốc độ phát triển tình hình kinh tế-xã hội của thành phố.

Hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố được xây dựng khi dân số mới chỉ 2 triệu người, nhưng hiện nay, dân cư thành phố đã lên tới khoảng 9 triệu người với trên 4 nghìn xe ôtô, 4 triệu xe gắn máy.

Ngoài ra, mỗi ngày, khoảng 60.000 chiếc xe tải, 1 triệu xe máy từ ngoại tỉnh có nhu cầu vào thành phố.

Trong khi ý thức chấp hành giao thông của người tham gia giao thông còn yếu, số lượng cán bộ cảnh sát giao thông chỉ khoảng 600 người, dẫn đến tình trạng bất cứ nơi nào vắng bóng cảnh sát giao thông đều có thể có nguy cơ dẫn đến ùn tắc.

Đảm bảo an toàn cho khách qua sông

Năm 2009, tuy số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã giảm 23% so với năm 2008 nhưng vẫn lên tới 197 vụ và làm chết 181 người (tăng 18,9% so với năm 2008).

Nguy cơ về tai nạn giao thông đường thủy vẫn tiềm ẩn khi hàng ngày, hàng trăm nghìn học sinh vẫn tới trường qua những chiếc thuyền, ghe chở khách qua sông mà trong đó có cả những phương tiện chưa được qua đăng kiểm và người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn.

Theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, hiện nay, hiện chỉ 26% trong tổng số hơn 97.000 chiếc đò dọc, tàu khách được đăng kiểm và gần 50% số người điều khiển phương tiện thủy trên bến khách ngang sông chưa được cấp chứng chỉ chuyên môn.

Cà Mau là một trong những tỉnh có số người tham gia giao thông thủy lớn nhất cả nước và cũng là địa phương trong năm qua có số vụ tai nạn giao thông đường thủy, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường thủy nội địa tăng so với năm 2008.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy nội địa tại Cà Mau là địa phương này còn hơn 70.000 chiếc đò dọc, tàu khách khách chưa được đăng kiểm, chiếm tới 98,5% số lượng chưa đăng kiểm trong cả nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho biết hoạt động tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa của người dân Cà Mau vẫn chủ yếu bằng ghe, thuyền. Hiện nay, hàng ngày, tại Cà Mau có 85.000 học sinh đi học bằng phương tiện thủy với hàng nghìn đò dọc, đò ngang và khoảng hơn 2.000 phương tiện của các gia đình.

Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông cho người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã giao cho Phòng giáo dục các huyện phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các xã trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý các phương tiện giao thông thủy vận chuyển khách.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tích cực triển khai chương trình "chiếc cầu mơ ước" với mục tiêu hết năm 2010 sẽ xây xong 1.588 chiếc cầu tại các khu vực trọng điểm, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn.

Cùng với những biện pháp đồng bộ được triển khai trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trong năm 2010, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải thủy, nhất là đò ngang, đò dọc chở khách. Bên cạnh đó, ủy ban sẽ nghiên cứu và đưa vào áp dụng rộng rãi “dụng cụ nổi cá nhân”, hướng tới mục tiêu đảm bảo sự an toàn cho mọi người khách qua sông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực