Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thứ tư, 24/03/2010 16:26

  
                    Ảnh minh hoạ: Internet 
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề đang được các địa phương hết sức quan tâm.

* Năm 2010, từ nguồn kinh phí khuyến công đia phương và chương trình khuyến công quốc gia, tỉnh Vĩnh Long tổ chức 30 lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho trên 2.100 lao động nông thôn, liên kết với các doanh nghiệp hình thành tổ gia công sản xuất, tạo thêm việc làm và hình thành lực lượng lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề nông thôn. Năm nay, chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Long tập trung đào tạo các nghề truyền thống sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt thảm, se lõi cói, đan lục bình. Đây là nhóm nghề mới thu hút nhiều lao động được Phòng Công Thương các huyện Bình Minh, Tam Bình kết hợp với chương trình khuyến công đẩy mạnh tổ chức các lớp dạy nghề tại các cụm tuyến dân cư, liên kết với các doanh nghiệp hình thành tổ gia công sơ chế nguyên liệu tạo việc làm cho lao động. Tại huyện Vũng Liêm, chương trình khuyến công kết hợp với các đoàn thể tổ chức các tổ ngành nghề dệt len, tổ se sợi tơ dừa ở xã Trung Nghĩa, tổ đan giỏ lục bình ở xã Hiếu Nhơn, tổ dệt chiếu thảm, se lõi cói ở xã Thanh Bình, Quới Thiện. Riêng chương trình truyền nghề kết hợp với Hội Nghề Gốm và huyện Mang Thít mời các nghệ nhân tổ chức từ 3 – 5 lớp đào tạo thợ in gốm, thợ xu, tạo hình gốm, vẽ trên chất liệu gốm...

Cùng với đào tạo nghề, chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Trường dạy nghề và doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức 1 lớp đào tạo chuyên sâu nâng cao tay nghề cho 30 học viên và triển khai 3 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, sản phẩm mới, đổi mới công nghệ nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp nông thôn. Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Công Thương tinh Vĩnh Long, hiện nay, dựa trên thế mạnh vùng nguyên liệu, nhu cầu thị trường, chương trình khuyến công của tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho 3 nhóm ngành nghề là chế biến nông sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và sản xuất gốm. Từ năm 2005-2009, chương trình đã đào tạo trên 2.800 lao động nông thôn, có 70% lao động có việc làm ổn định sau khi học nghề. Mục tiêu của tỉnh là đến cuối năm 2010 tăng tỷ trọng lao động tham gia ngành nghề nông thôn chiếm 18 – 20% trong tổng số lao động làm việc ở nông thôn, thúc đầy phát triển ngành nghề nông thôn đóng góp 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

* Năm 2010, Quảng Bình có kế hoạch giải quyết việc làm cho 30.000 lao động ở lứa tuổi thanh niên. Riêng trong ba tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 6.000 thanh niên, trong đó hơn 80% lao động khu vực nông thôn. Ông Trần Đình Vân, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, trong năm nay, tỉnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và du lịch; khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển các loại hình trang trại thu hút ngày một nhiều các lao động ở nông thôn và miền núi nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao được thị trường chấp nhận.

Quảng Bình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch thị trường lao động thông qua thông tin, quảng cáo, sàn giao dịch việc làm, trang thông tin việc làm trên mạng điện tử...; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong tỉnh có kết nối với các địa phương khác trong toàn quốc, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung, các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động trong tỉnh. Thời gian tới, Quảng Bình thực hiện tốt đề án phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo nghề của địa phương; phát triển hệ thống dạy nghề với đa cấp trình độ, chuyển từ dạy nghề trình độ thấp sang trình độ cao, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động cho thị trường lao động; chú trọng dạy nghề theo đơn “đặt hàng” và dạy nghề theo nhu cầu của xã hội để gắn giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Tỉnh khuyến khích phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tiếp thu những ngành nghề mới mà địa phương sẵn có nguồn nguyên liệu tại chỗ, có thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra..../. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực